Quảng Ninh: Kiến tạo môi trường đầu tư tốt nhất
"Thoả mãn và hài lòng" là 2 cụm từ chúng tôi ghi nhận được nhiều nhất trong 4 giờ đồng hồ diễn ra Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, doanh nhân quý III tổ chức vào sáng ngày 22-8. Mặc dù được tổ chức thường niên nhưng với cách tổ chức chuyên nghiệp, công tác chuẩn bị chu đáo, các kiến nghị của doanh nghiệp được tiếp thu, giải quyết thoả đáng nên mỗi lần tổ chức, hội nghị đều nhận được sự trông đợi của cộng đồng doanh nghiệp.
Quang cảnh Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, doanh nhân quý III - 2016 với sự tham gia của trên 500 doanh nghiệp. Ảnh: Đỗ Phương |
Lắng nghe và chia sẻ
Có mặt tại hội nghị từ sáng sớm, ông Lê Văn Đông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý cầu đường bộ 2 Tiên Yên - Quảng Ninh, chia sẻ: "Đây là năm thứ 3 tôi tham dự hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp do tỉnh tổ chức. Ở những hội nghị đầu tiên, phần lớn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn e ngại, hồ nghi về tính hiệu quả. Vì vậy, doanh nghiệp tham gia đông nhưng số lượng câu hỏi đặt vấn đề trực tiếp lại khá ít, nhất là trong những lĩnh vực nhạy cảm. Tuy nhiên, sau khi thấy các khó khăn từng bước được quan tâm, tháo gỡ thì doanh nghiệp đã tham gia hội nghị một cách rất hồ hởi và cởi mở. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã hoàn toàn đặt niềm tin và công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Ngay như công ty chúng tôi, thời điểm này cách đây 3 năm trước việc thanh toán, chi trả tiền dịch vụ công ích thường bị chậm 6 tháng, thậm chí kéo dài đến 1 năm. Thế nhưng ngay sau khi chúng tôi kiến nghị, đến nay thời gian chi trả đã rút ngắn xuống chỉ còn 1-2 tháng. Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định, mở rộng phát triển sản xuất. Từ một doanh nghiệp nhỏ, chưa đầy 100 lao động thì giờ Công ty đã có 230 công nhân, hoạt động sản xuất mở rộng sang cả khu vực miền Tây của tỉnh.
Nói về quyết tâm "cùng đến, cùng đi để cùng hiệu quả", các doanh nghiệp du lịch trên các tuyến đảo Vân Đồn đã không giấu được niềm vui khi nỗi lo lắng lớn nhất của họ được giải quyết thấu đáo ngay tại Hội nghị. Ông Phạm Hải Quỳnh, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Vân Đồn, cho biết: Các đảo của Vân Đồn đều là những tuyến nằm trong Vịnh, nếu bắt buộc phải đóng tàu có trọng tải đạt trên 100 khách thì không phù hợp. Điều này vừa gây ùn tắc ở các cảng bến, vừa không đảm bảo doanh thu cho doanh nghiệp trong những ngày thấp điểm. Vì vậy, từ ngày nhận được văn bản của tỉnh, yêu cầu dừng việc đóng tàu mới và không bổ sung tàu tham gia hoạt động trên các tuyến từ cảng Cái Rồng đi đảo Cô Tô, Thanh Lân và các đảo thuộc huyện Vân Đồn đã khiến cho chúng tôi như "ngồi trên đống lửa". Bởi lẽ, các doanh nghiệp đã đặt đóng mới trên 10 chiếc tàu siêu tốc tại TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo đúng văn bản thì nhiều doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản vì các tàu đều đã ký hợp đồng đóng mới trước tháng 8-2016 và phần lớn nguồn vốn trên là đi vay ngân hàng.
Thấu hiểu, chia sẻ tâm tư và bức xúc của doanh nghiệp, trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã động viên các doanh nghiệp yên tâm và yêu cầu Sở GT-VT điều chỉnh ngay những bất cập trên và khẳng định việc dừng đóng tàu mới có trọng tải dưới 100 khách chỉ áp dụng với tuyến đảo Cô Tô. Không chỉ giúp các doanh nghiệp du lịch hoạt động trên các tuyến đảo Vân Đồn tháo gỡ được nỗi lo lắng, nhiều doanh nghiệp cũng đã thực sự ấn tượng khi trực tiếp những đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh và các ngành, địa phương liên quan, dành 3/4 thời gian để ưu tiên trả lời các câu hỏi với tinh thần không phân tích, không trả lời chung chung mà đi đến cùng những vướng mắc doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp cho rằng, việc đưa ra những "đáp án" cụ thể với tinh thần cầu thị, nghiêm túc sẽ giúp cho doanh nghiệp kịp thời có các quyết sách, chiến lược để ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.
Một trong những điểm mới, tạo nên sự đặc biệt cho các danh nghiệp tại hội nghị lần này là không chỉ giải quyết những kiến nghị "nóng", liên quan đến công tác GPMB, vốn vay, thủ tục hành chính... mà hội nghị lần này còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh. Trên tinh thần cam kết và mời gọi hợp tác, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup khẳng định: Hiện Tập đoàn Vingroup đang triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam. Bất cứ một doanh nghiệp nào ở Quảng Ninh có sản phẩm đặc thù, độc đáo nhưng thiếu vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý để khởi nghiệp thì có thể hợp tác với Tập đoàn. Nhất là với những sản phẩm nông nghiệp sạch, Vingroup sẵn sàng đứng ra tiêu thụ cho hệ thống Vinmart. Bởi theo kế hoạch, năm 2017 chúng tôi sẽ có hơn 100 siêu thị Vinmart trên cả nước.
Ông Phạm Hải Quỳnh, đại diện Công ty CP Du lịch Vân Hải Xanh và Hiệp hội Du lịch Vân Đồn kiến nghị thực trạng môi trường đảo Quan Lạn - Minh Châu đang bị ô nhiễm. Ảnh: Đỗ Phương |
Nâng cao sức đề kháng của doanh nghiệp
Nâng cao sức đề kháng của các doanh nghiệp cũng chính là yếu tố cốt lõi để nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh. Do đó, không phải đến bây giờ lãnh đạo tỉnh mới quan tâm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, mà trong những năm gần đây, vấn đề này đã được lãnh đạo tỉnh nhìn nhận một cách thấu đáo. Tỉnh đã triển khai một cách quyết liệt, bằng những việc làm, giải pháp cụ thể như: Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường, hoàn thiện cơ sở hạ tầng...
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, điều này cho thấy, lãnh đạo tỉnh thật sự quyết tâm trong việc sát cánh và làm điểm tựa để doanh nghiệp "sống khoẻ". Không phải ngẫu nhiên khi mà từ năm 2013 đến nay, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh luôn nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước và đứng đầu trong Vùng đồng bằng Sông Hồng. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phạm Đình Vũ, quyền Chánh văn phòng Công tác Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, khẳng định: Quảng Ninh có rất nhiều cách làm thiết thực và đi đầu trong cả nước. Điển hình như với Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ "Về hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp đến năm 2020". Với Nghị quyết này, chính quyền cần có "5 không" với các doanh nghiệp, đó là: Không hình sự hoá với các doanh nghiệp; không nộp hồ sơ, bổ sung hồ sơ quá 1 lần đối với doanh nghiệp; không phân biệt đối xử; không mù mờ trách nhiệm và không thanh, kiểm tra quá 1 lần. Tuy nhiên, ngay từ những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều bước đi đột phá trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ như trong trường hợp doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ quá 1 lần, tỉnh đã yêu cầu các cán bộ công chức phải xin lỗi người dân và doanh nghiệp. Cách làm này đã được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đánh giá rất cao và được đưa ra như một bài học kinh nghiệm cho các tỉnh thành khác noi theo.
Có thể khẳng định, trong công cuộc xây dựng và phát triển của mình, một trong những nguyên nhân mang lại thành công cho tỉnh chính là sự tiên phong của lãnh đạo tỉnh. Từ sự chân thành, cởi mở, cầu thị, quyết tâm của những người đứng đầu địa phương đã tạo hiệu ứng lan toả đến cả hệ thống chính trị, góp phần tạo đà cho nhiều doanh nghiệp ổn định và phát triển. Minh chứng rõ nét nhất là trong 8 tháng năm 2016, cả tỉnh có thêm 820 doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn đăng ký là 5.610 tỷ đồng (tăng 18% về số doanh nghiệp). Trong đó, số doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng đã hoạt động trở lại là 284 doanh nghiệp (tăng 21,8% so cùng kỳ).
Hoàng Nga