Phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Đức Lâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.
- Đồng chí đánh giá như thế nào trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 của tỉnh?
+ Bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 trong bối cảnh tiếp tục có khó khăn, song được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự giám sát có hiệu quả của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, bám sát mục tiêu đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế (GDP) có sự chuyển biến đáng kể (ước đạt 8,8%) cao hơn bình quân cả nước (cả nước tăng 5,8%). Bên cạnh đó, tỉnh đã tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành NSNN các cấp để phấn đấu vượt thu; tiết kiệm chi thường xuyên tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Do đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 33.000 tỷ đồng, tăng 2% dự toán, trong đó thu nội địa 16.000 tỷ đồng, đạt mức cao nhất từ trước tới nay (tăng 16,4% dự toán).
Với mục tiêu “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh đã ban hành và triển khai có hiệu quả kế hoạch bao gồm 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; hàng tháng UBND tỉnh tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp, tổ chức các đoàn công tác nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt, thu hút vốn đầu tư đạt hiệu quả. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh năm 2013 xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố (tăng 16 bậc so với 2012); đứng thứ 4 trong 7 tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất năm 2013 và đứng thứ nhất trong các tỉnh khu vực phía Bắc… điều đó cho thấy những nỗ lực đã được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư ghi nhận tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại Quảng Ninh. Nhiều nhà đầu tư chiến lược đẩy mạnh đầu tư trên địa bàn tỉnh nhất là trong lĩnh vực du lịch, thương mại. Thu hút vốn đầu tư FDI đạt kết quả cao, gấp 1,96 lần so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư trong nước ước đạt 25.600 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 9,1% so với cùng kỳ.
- Bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn những tồn tại gì, thưa đồng chí?
+ Mặc dù các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014 đều tăng song xét trên bình diện chung thì tăng trưởng kinh tế vẫn còn chưa ổn định, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế rất lớn của tỉnh; các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sức mua của thị trường còn hạn chế, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Đặc biệt, việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và công tác điều hành ngân sách gặp nhiều khó khăn vì thu ngân sách tăng so với cùng kỳ nhưng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm so với dự toán giao, đồng thời có nhiều chương trình, đề án, dự án lớn và chủ trương, nhiệm vụ mới phát sinh đề ra nhưng nguồn lực hạn hẹp. Bên cạnh đó, việc ưu tiên nguồn lực của Nhà nước cho Quảng Ninh chưa tương xứng với nhiệm vụ chính trị được giao. Hệ thống kết cấu hạ tầng nói riêng, môi trường đầu tư kinh doanh nói chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp và phát triển du lịch. Cùng với đó là việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ còn chậm so với yêu cầu. Quản lý nhà nước ở cơ sở còn nhiều mặt chưa tốt như quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường; quản lý đô thị; quản lý hoạt động du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa hợp lý.
- Vậy để khắc phục những tồn tại trên mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế trong năm 2015 của tỉnh là gì, thưa đồng chí?
+ Để khắc phục những tồn tại trên mục tiêu trong năm 2015, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng đi đôi với việc đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đảm bảo cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ. Bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp, các nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thực hiện ba đột phá chiến lược (Cải cách thể chế; Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông huyết mạch và hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư; Phát triển nguồn nhân lực). Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ động quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, tăng cường quản lý hiệu quả giá cả thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao và làm chủ công nghệ, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Theo Thu Trang Báo Quảng Ninh ngày 04/12/2014