The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Ninh: Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh bằng nội lực và bản lĩnh Vùng mỏ

Vươn lên "top" đầu

Đánh giá về hiệu quả triển khai dự án tại Quảng Ninh, ông Hồng Thiên Chúc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Texhong (Hồng Kông) cho biết: "Chúng tôi đã tìm hiểu về tình hình phát triển KT-XH cũng như các chính sách thu hút đầu tư của Quảng Ninh trong một khoảng thời gian dài, sau đó mới quyết định đầu tư dự án tại tỉnh. Có thể thấy trong khoảng 3 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã có nhiều đột phá trong việc xây dựng các thể chế, cơ chế, chính sách về môi trường đầu tư, qua đó thu hút ngày càng nhiều các dự án đầu tư đến với tỉnh. Các thủ tục về hành chính cũng đã được tỉnh giải quyết nhanh chóng hơn. Qua mỗi năm, Quảng Ninh lại xây dựng nhiều giải pháp mới để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhiều hơn, hiệu quả hơn. Khi triển khai dự án, chúng tôi được cam kết về GPMB, đưa điện, nước tới tận chân công trình. Đây là những điểm thuận lợi, cũng là ưu thế cạnh tranh của Quảng Ninh so với các địa bàn khác".

Thống kê trong 3 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hàng chục hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp; chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong từng ngành, nghề, lĩnh vực liên quan. Những khó khăn của doanh nghiệp được lắng nghe, tháo gỡ rất kịp thời, tạo sự đồng thuận lớn trong cộng đồng doanh nghiệp. Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Ông Lê Đình Tân, Giám đốc Công ty CP Phương Nam (TP Uông Bí) cho biết: Ngoài các Hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ, tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt cho cộng đồng doanh nghiệp như cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến thương mại... Ở lĩnh vực của chúng tôi, tỉnh đã tạo điều kiện về chính sách, thủ tục đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong việc đầu tư đổi mới công nghệ khai thác chế biến sâu sản phẩm đá với tổng vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng thay thế cho công nghệ cũ, lạc hậu nhằm tăng cường năng lực khai thác. Những hỗ trợ kịp thời này giúp doanh nghiệp yên tâm phát triển lâu dài tại tỉnh.

Mới đây (ngày 15-4-2015), tại Thủ đô Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014. Báo cáo chỉ số PCI năm nay công bố kết quả điều tra tại 9.859 doanh nghiệp dân doanh và 1.491 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trong việc tạo lập môi trường, chính sách thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Theo đó, năm nay, Quảng Ninh đứng ở vị trí thứ 5 (nhóm rất tốt) với 62,16 điểm. Như vậy, so với năm 2012, Chỉ số PCI của Quảng Ninh đã tăng tới 15 bậc.

Nâng cao thương hiệu PCI

Mặc dù thứ hạng PCI của Quảng Ninh đang nằm trong “top 5” (nhóm các tỉnh, thành phố có Chỉ số PCI rất tốt), tuy nhiên, để có thể tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Quảng Ninh thì việc nâng cao thương hiệu PCI vẫn đang được tỉnh tích cực triển khai.

Được biết, từ tháng 10-2014, Tổ Công tác triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh đã triển khai kế hoạch khảo sát, điều tra đánh giá về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và môi trường đầu tư tỉnh năm 2014. Theo đó, Tổ Công tác đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã vốn trong nước và vốn đầu tư nước ngoài tiêu biểu trong tỉnh về các vấn đề như: Đánh giá về cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tình hình thương mại của tỉnh về thị trường tiêu thụ và các dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; thông tin những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động; đề xuất kiến nghị giải pháp về cơ chế chính sách của tỉnh… Đến thời điểm này, việc khảo sát đã hoàn tất, trên cơ sở những kết quả đã khảo sát được, Tổ Công tác sẽ trình UBND tỉnh nội dung, kế hoạch nhằm nâng cao Chỉ số PCI.

Theo lộ trình của tỉnh, năm 2015, 100% TTHC sẽ giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. Mô hình này triển khai đã góp phần công khai, minh bạch và rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC trung bình 40% thời gian so với quy định của Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong giải quyết các TTHC. Quảng Ninh cũng đang khẩn trương thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch vùng… nhằm tạo ra các phân khu chức năng phù hợp, giúp nhà đầu tư định hình các dự án bền vững hơn. Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch Phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, mỗi năm Quảng Ninh dành gần 40% tổng chi thường xuyên của tỉnh để phục vụ công tác giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của tỉnh tăng 2,33 lần so với năm 2010; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51% (năm 2011) lên 62% (năm 2014)… Đây tiếp tục là một điểm thuận lợi cho nhà đầu tư khi đến với tỉnh, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho nền kinh tế, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư khi tuyển dụng lao động từ nhiều vị trí (từ lao động phổ thông tới lao động cấp cao).

Hồng Nhung

Báo Quảng Ninh ngày 03/05/2015