Quảng Ninh triển khai chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư
Năm 2015 Quảng Ninh đã bứt phá ngoạn mục, vươn lên giành vị trí thứ 3 toàn quốc trong bảng xếp hạng PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Nhằm giữ vững và phát huy kết quả đạt được, năm 2016 UBND tỉnh đã ra kế hoạch triển khai Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ "Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020" và Chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đây đồng thời là một trong những giải pháp tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.
UBND tỉnh tổ chức hội nghị bàn giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh, tháng 4-2016. |
Năm 2016 tỉnh phấn đấu đạt và vượt một số chỉ tiêu chủ yếu ở các chỉ số thành phần trong nhóm rất tốt, tốt và khá của PCI. Một số chỉ tiêu theo Nghị quyết số 19 cũng được tỉnh đặt ra là đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa 2 ngày làm việc; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 77 ngày; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống không quá 14 ngày; thời gian thông quan hàng hoá qua biên giới dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu, dưới 12 ngày với hàng nhập khẩu; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng xuống còn tối đa 200 ngày, thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp xuống còn 24 tháng; các chỉ tiêu hoàn thuế, quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để đạt được những mục tiêu đó, tỉnh đã đặt ra một số các giải pháp, như cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng đội ngũ thực thi nhiệm vụ, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường hoạt động thông tin và truyền thông, phân công nhiệm vụ các sở, ngành, địa phương và có kế hoạch tổ chức chi tiết… Cụ thể, trong công tác cải cách hành chính, đây là được coi là chìa khoá mở cửa thu hút đầu tư, tỉnh sẽ chuẩn hoá và công khai các TTHC trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các TTHC liên quan đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp; chủ động sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi theo hướng đơn giản hoá tối đa, đồng thời chấp nhận nguyên tắc rủi ro chia đều cho tất cả, tránh tình trạng đưa ra các quy định hành chính theo hướng đảm bảo an toàn thuận lợi cho ngành mình, cấp mình, cá nhân mình và đẩy toàn bộ rủi ro, khó khăn cho cấp dưới, cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong cung cấp các TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực có mật độ giao dịch cao với nhà đầu tư, doanh nghiệp… Công bố công khai và kịp thời các cơ chế, chính sách, các quy hoạch của tỉnh, địa phương và của ngành, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin và cơ hội đầu tư, kinh doanh trên địa bàn; rà soát văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện các văn bản quy phạm pháp luật có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp thực tiễn… để tham mưu bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung.
Do chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp năm 2015 bị giảm điểm, nên trong năm 2016 tỉnh sẽ quyết tâm cải thiện chỉ số này. Vì thế, cùng với việc tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thường kỳ, tỉnh yêu cầu thủ trưởng các ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng chủ động tổ chức các buổi tiếp xúc gặp gỡ với doanh nghiệp định kỳ theo lĩnh vực, địa bàn để kịp thời giải quyết mọi vướng mắc ngay tại cơ sở. Nội dung giải quyết tại hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp của các sở, ngành, địa phương phải được văn bản hoá bằng thông báo kết luận ban hành ngay sau khi kết thúc hội nghị, đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của sở, ngành, địa phương đó, trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Song song với đó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập; quan tâm phát triển dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp…
Bên cạnh việc phân công các ngành, địa phương với những nhiệm vụ cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, tại cuộc họp bàn giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh (tháng 4-2016), đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo cần phải giữ vững và thăng hạng PCI. Vì thế năm 2016 sẽ triển khai diện rộng ở tất cả 15 sở, ngành, 14 huyện, thị xã, thành phố cùng tham gia nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI); mở rộng đối tượng khảo sát từng hợp tác xã, hộ kinh doanh; bổ sung một số tiêu chí đánh giá, trong đó có cả việc đánh giá chấm điểm xếp hạng người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh; học tập trao đổi kinh nghiệm với các địa phương đứng đầu về chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp để có các sáng kiến mới triển khai kịp trong năm 2016. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần xây dựng và đề xuất các giải pháp mới liên quan đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực; triển khai hiệu quả mô hình "Cà phê doanh nhân" năm 2016; tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đưa ra các sáng kiến, mô hình mới đảm bảo nâng cao hiệu quả chỉ số thành phần liên quan đến chỉ số tính minh bạch và hỗ trợ doanh nghiệp…
Hy vọng với những giải pháp đó, năm 2016 tỉnh sẽ giữ vững và tiếp tục thăng hạng trong bảng xếp hạng PCI, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhanh, bền vững.
Thanh Hằng