Quảng Trị: Đẩy mạnh CCHC, xây dựng hệ thống các cơ quan nhà nước thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại
31 Tháng 10, 2014
Thấy rõ tầm quan trọng đó, trong những năm qua cùng với cả nước, tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh CCHC và đạt được những kết quả tích cực. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch CCHC tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2012-2020. Mục tiêu là xây dựng hệ thống các cơ quan nhà nước thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có đủ năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trong CCHC thì công tác chỉ đạo, điều hành được UBND tỉnh quan tâm đúng mức, hệ thống văn bản chỉ đạo được ban hành kịp thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức với việc thực hiện nhiệm vụ CCHC tại đơn vị. Hệ thống văn bản pháp luật được ban hành đúng quy trình, kịp thời, tạo cơ sở để thúc đẩy CCHC tại địa phương.
Về cải cách thể chế, trong thời gian qua UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản này đều tuân thủ đúng yêu cầu về trình tự, thủ tục theo quy định. Bên cạnh đó ngành chức năng cũng tăng cường công tác kiểm tra, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương; rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật mới ban hành.
Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được các địa phương tập trung đầu tư và đạt kết quả tích cực. Đến nay toàn tỉnh có 17/20 sở, ngành; 9/10 huyện, thị xã, thành phố; 100% xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Số thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông là 218 thủ tục được thực hiện tại 17 sở, ngành; 44 thủ tục hành chính được thực hiện tại UBND cấp huyện, 159 thủ tục hành chính được thực hiện tại UBND cấp xã. Việc bố trí công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả về cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy vậy theo đánh giá của đoàn kiểm tra Bộ Nội vụ (Thông báo số 3959, ngày 26/9/2014) cho thấy, tại UBND cấp huyện chỉ bố trí 1 công chức chuyên trách và từ 1 đến 2 công chức kiêm nhiệm là không phù hợp. Về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tỉ lệ hồ sơ của cá nhân, tổ chức giải quyết đúng hạn đạt trên 95%, số hồ sơ phải trả lại chiếm tỉ lệ nhỏ. Trong vấn đề cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tỉnh đã tiến hành tổng rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức và biên chế hiện có của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan, tổ chức khác thuộc bộ máy hành chính nhà nước địa phương. Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước địa phương theo hướng đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Một trong những nội dung góp phần thực hiện CCHC thành công là việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC. Công tác tuyển chọn CB,CC,VC được coi trọng với yêu cầu chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng cao, tỉnh đã có những đổi mới trong công tác tuyển dụng cán bộ thông qua thi tuyển, xét tuyển. Việc quản lý, sử dụng, bổ nhiệm CB,CC đảm bảo đúng quy định nhà nước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được các ngành, địa phương chú trọng. Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay đã mở 4 lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng đối với 245 CB,CC là trưởng, phó phòng thuộc các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác CCHC đối với 200 CB,CC,VC cấp sở, huyện và cấp xã; 1 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính cho CBCC. Toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 1.612 người, trong đó đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị 437 người, chuyên môn nghiệp vụ 810 người, kỹ năng lãnh đạo quản lý 245 người, tin học ứng dụng trong công tác hành chính 120 người. Sở Nội vụ cũng đã triển khai Nghị định số 41/2012/CP và Nghị định 36/2013/CP về vị trí, việc làm và cơ cấu ngạch CC,VC, đang tiến hành thẩm định, tổng hợp xây dựng đề án của tỉnh gửi Bộ Nội vụ phê duyệt .
Trong cải cách tài chính công, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2057/2010 về giao quyền tự chủ về sử dụng biên chế đối với cơ quan nhà nước và giao quyền tự chủ về biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong toàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Đến nay có 36/36 cơ quan cấp tỉnh, 9/10 đơn vị cấp huyện và 133 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng kinh phí, quản lý hành chính; 108 đơn vị sự nghiệp thuộc cấp tỉnh; 52 đơn vị thuộc cấp huyện đã thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Tất cả đơn vị tự chủ đều ban hành quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, trong đó có quy định các tiêu chí về mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao làm căn cứ chi trả thu nhập tăng thêm.
Trong những năm qua tỉnh Quảng Trị đã tập trung thực hiện việc hiện đại hóa nền hành chính. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, đến nay 100% cơ quan hành chính sử dụng mạng nội bộ để trao đổi công việc; 100% văn bản quy phạm pháp luật, hơn 80% văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh được cập nhật trên Trang thông tin điện tử của tỉnh; 50% cơ quan hành chính sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 50% CB,CC sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc. Có 15/20 sở, ban, ngành; 10/10 đơn vị cấp huyện có Trang thông tin điện tử và cung cấp cơ bản đầy đủ các thông tin theo quy định.
Bên cạnh đó, được sự quan tâm nhà nước, các dự án của tổ chức nước ngoài đã góp phần trang bị thêm cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện CCHC. Một số đơn vị trên địa bàn đã có bước đột phá trong CCHC như thực hiện thủ tục hải quan điện tử, kê khai thuế qua mạng tiến tới việc nộp thuế điện tử... đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Tuy vậy theo đánh giá của Sở Nội vụ thì công tác CCHC của tỉnh triển khai còn chậm, thiếu kiên quyết, đồng bộ, hiệu quả chưa cao, thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn rườm rà, thiếu thống nhất, thời gian giải quyết công việc kéo dài. Một số nơi thủ tục hành chính chưa niêm yết công khai đầy đủ, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông có nơi còn hình thức, cơ sở vật chất còn thiếu, tổ chức bộ máy bên trong của một số cơ quan, đơn vị chưa được sắp xếp tinh gọn. Vẫn còn tình trạng vừa tiếp nhận thủ tục tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp huyện vừa tiếp nhận thủ tục hành chính tại các phòng, ban chuyên môn. Đội ngũ CB,CC thiếu tính chuyên nghiệp, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với lĩnh vực này chưa đúng mức, làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đồng thời ảnh hưởng lớn đến chỉ số PAPI, PCI và PAR INDEX của tỉnh, đặc biệt chỉ số PCI và PAR INDEX. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 Quảng Trị xếp thứ 37/63; năm 2013 xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố; chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2012 Quảng Trị xếp thứ 47/63, năm 2013 xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố.
Thực tế đó đặt ra vấn đề cần tiếp tục đẩy mạnh CCHC hơn nữa trong thời gian tới, trong đó cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa nền hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC, hàng năm dành kinh phí thỏa đáng cho công tác này. Mới đây tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở Nội vụ cũng đã kiến nghị Ban Thường vụ ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác CCHC trên địa bàn tỉnh để các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tập trung chú trọng đẩy mạnh thực hiện CCHC có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà, tránh tụt hậu xa hơn so với các tỉnh trong nước về công tác CCHC.
HOÀNG NAM BẰNG
Theo BÁO QUẢNG TRỊ ĐIỆN TỬ ngày 31/10/2014