Quảng Trị: Nỗ lực tạo cơ hội hợp tác với doanh nghiệp, nhà đầu tư
Tăng cường chất lượng điều hành kinh tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và khẳng định thương hiệu Quảng Trị là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư, tạo động lực cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội là một trong những định hướng chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã tập trung mọi nỗ lực, từ đổi mới trong cách làm, chủ động trong điều hành, sáng tạo trong tổ chức triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược đó. Kết quả bước đầu mang lại khá tích cực làm cơ sở để tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Một góc Khu công nghiệp Nam Đông Hà - Ảnh: PV
Theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng doanh nghiệp, dân doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cải cách của chính quyền tỉnh trên nhiều lĩnh vực như: Tiếp cận đất đai thuận lợi hơn, môi trường kinh doanh minh bạch hơn, cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, chi phí không chính thức sụt giảm đáng kể, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp có nhiều cải thiện, chất lượng lao động ngày càng đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua kết quả khảo sát của VCCI, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị với chính quyền địa phương những tồn tại, vướng mắc khi đến và đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Việc tiếp cận thông tin, văn bản pháp luật, đặc biệt là các văn bản pháp luật mới hoặc điều chỉnh chưa được thường xuyên; thủ tục vay vốn còn phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư, mở rộng sản xuất- kinh doanh; các thủ tục hành chính về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường, bảo hiểm xã hội…đôi lúc còn phiền hà; sự trùng lắp, chồng chéo giữa các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, nông- lâm, thủy sản tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp.
Trong quá trình hội nhập và phát triển, cần đánh giá đúng đắn và tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương để tác động hiệu quả vào quá trình xây dựng, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản, chính sách với các nội dung cụ thể theo từng chỉ số thành phần để có mục tiêu, định hướng, giải pháp và giao cụ thể nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện nhằm quyết tâm cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện những công việc trên chưa thật sự triệt để, dẫn đến vẫn còn khoảng cách khá xa giữa chính sách và phát huy chính sách trong thực tiễn. Do vậy, các cơ quan chức năng cần thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ, nâng cao ý thức phục vụ của lãnh đạo, cán bộ, công chức các cấp, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, tổ chức và công dân như cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, theo dõi lĩnh vực đầu tư, cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận… Tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa và rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết, trả kết quả giấy chứng nhận đầu tư, giấy chuyển quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, …. Bên cạnh đó, tỉnh cần thông tin minh bạch cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư về các chủ trương, định hướng lớn; các cơ chế, chính sách ưu đãi; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu thương mại - dịch vụ, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh. Đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách, tham vấn ý kiến của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để làm cơ sở ban hành, hiệu chỉnh các cơ chế, chính sách của địa phương ngày càng phù hợp và sát đúng với nhu cầu thực tiễn đặt ra .
Ngoài việc tăng cường công tác quản lý, tỉnh cũng cần tăng cường đối thoại, kết nối thông tin chặt chẽ với doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng nhiều hình thức. Duy trì hiệu quả hoạt động “đường dây nóng” của Chủ tịch UBND tỉnh, cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp, nhà đầu tư theo định kỳ; sẵn sàng tiếp nhận và thảo luận với các nhà đầu tư bất kể thời gian nào, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ và thời gian ngoài giờ hành chính. Với việc duy trì tốt và tăng cường các kênh kết nối này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội trực tiếp và nhanh chóng phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất- kinh doanh với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan. Đồng thời tạo tâm lý an tâm, tin tưởng cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư tại địa phương luôn được tỉnh sát cánh, đồng hành. Mặt khác, thông qua các kênh kết nối này, chính quyền địa phương cũng kịp thời nắm bắt, chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm những phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Một trong những giải pháp mang tính quyết định trong hệ thống giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh mà tỉnh đang triển khai thực hiện và cần được tăng cường đó là phân tích một cách toàn diện các chỉ số thành phần để có các kế hoạch cụ thể cải thiện hiệu quả. Xác định chính xác chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Trị đang ở đâu về mặt xếp hạng cũng như về nội hàm chất lượng; vì đâu mà thứ hạng PCI Quảng Trị còn thấp, không ổn định; nguyên nhân sụt giảm, biến động của các chỉ số thành phần. Duy trì và từng bước nâng cao hơn nữa những nội dung, quy định, thủ tục của các chỉ số thành phần mà tỉnh đang có mức điểm cao, tương đối ổn định và có xu hướng tích cực trong cải cách như: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và đào tạo lao động. Nhanh chóng đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể để cải thiện các chỉ số thành phần đạt chưa bền vững và nguy cơ tụt hạng là thiết chế pháp lý, chi phí không chính thức và tính minh bạch. Đối với mỗi nội dung của từng chỉ số thành phần ngoài yêu cầu chi tiết, cụ thể cần phải có quy định và thực hiện quyết liệt, nghiêm túc chế tài xử lý đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân nhà nước vi phạm quy định. Sẵn sàng thay thế, xử phạt các cá nhân trong quá trình thực hiện công việc có thái độ nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Gắn tiêu chí cải thiện chỉ số thành phần PCI vào đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và thi đua khen thưởng hàng năm của các sở, ngành, địa phương và người đứng đầu các cơ quan này.
Trong bối cảnh hiện nay, tăng cường cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, tạo dựng hình ảnh và cơ hội đầu tư hợp tác của Quảng Trị đến gần hơn với doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với tỉnh Quảng Trị có rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Do vậy, để thực hiện tốt điều đó, tỉnh cần nỗ lực để thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên.
NGUYỄN LAN HƯƠNG