Quốc hội đánh giá cao công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV hôm 20/10, sau khi nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã trình bày Báo cáo thẩm tra, trong đó đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, “cởi trói” cho doanh nghiệp.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ trình bày chỉ rõ, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, những tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành và thực hiện quyết liệt hàng loạt các Nghị quyết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Cụ thể là các Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016; đã phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"...
Ngay từ đầu năm 2016, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” với các bộ, ngành và địa phương để lắng nghe, đối thoại nhằm xử lý kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát điều kiện đầu tư, kinh doanh trái thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư, xây dựng và đã ban hành 50 Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị, các buổi làm việc gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp như: gặp gỡ với 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2016; “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam - Bài học từ Israel”...
“Các giải pháp, chính sách đó đã mang lại những kết quả thiết thực” - Thủ tướng khẳng định và cho biết, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng cao với 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng, tổng vốn đăng ký đạt hơn 629 nghìn tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2015 tăng 19,2% về số doanh nghiệp và 49,5% về số vốn đăng ký). Như vậy, bình quân mỗi tháng có khoảng 9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 69,9 nghìn tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân trên 01 doanh nghiệp 9 tháng đầu năm đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2014. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm là 20.510 doanh nghiệp, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,2%).
Cùng với đó, Chính phủ cũng tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, tăng cường phân cấp, phân quyền, xử lý nhanh chóng, kịp thời các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, có chính sách đặc thù để tạo đột phá cho phát triển,... Nhờ đó, nền kinh tế nước ta đã vượt qua những khó khăn rất lớn trong Quý I và Quý II, lấy lại đà phục hồi và phát triển từ đầu Quý III. Tốc độ tăng trưởng GDP Quý III đã đạt 6,4%, cao hơn Quý I tăng 5,48% và Quý II tăng 5,78%.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban kinh tế của Quốc hội đánh giá rất cao nỗ lực và hiệu quả trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ thời gian qua.
“Sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã có thông điệp rõ ràng, phản ứng nhanh trước các vấn đề bức xúc của xã hội, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, “cởi trói” cho doanh nghiệp” - Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cho rắng, Chính phủ đã tích cực triển khai đồng bộ quy định của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh và tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, phấn đấu chỉ số môi trường kinh doanh đạt mức trung bình của nhóm nước hàng đầu trong ASEAN.
Cụ thể hơn, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ rõ, sau khi được kiện toàn, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, được xem là “cú đúp” cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1642/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, doanh nghiệp vẫn còn đối diện với 5 nhóm vấn đề được coi là trở ngại lớn nhất, là: tiếp cận tài chính, đất đai, chính sách thiếu ổn định, không đủ lao động qua đào tạo, kỷ luật lao động kém và tham nhũng vặt.
Dẫn Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2006-2015, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, các lĩnh vực không được cải thiện hoặc có chiều hướng đi xuống đó là: chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền, tiếp cận đất đai và cạnh tranh bình đẳng.
Trong khi đó, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh Toàn cầu 2016-2017, dù vẫn có xu hướng chung là môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện nhưng nước ta xếp ở vị trí 60 trong số 138 nước, giảm 4 bậc so với năm 2015 (Năm 2015, Việt Nam đứng thứ 56/140). Điều này cho thấy, các nước cũng không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và nước ta cần chuyển động mạnh mẽ hơn nữa mới tăng được xếp hạng cạnh tranh.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị, để bảo đảm môi trường đầu tư - kinh doanh công bằng cần làm rõ sự công khai, minh bạch về cách tính giá các mặt hàng thiết yếu là đầu vào của sản xuất, như: xăng dầu, điện, đồng thời làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và cách khắc phục hậu quả của việc áp mức thuế nhập khẩu giá xăng dầu không đúng vừa qua.