Quy đến cùng trách nhiệm
Khó khăn lớn nhất chính là sự trì trệ, thờ ơ ở các Bộ. Vấn đề đặt ra là cần phải theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm dù đây là việc “biết rồi, khổ lắm nói mãi”.
TS. Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Đã có 5/10 chỉ số xếp hạng môi trường cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 19 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhưng điều này là vẫn chưa đủ bởi nhiều chỉ số thành phần vẫn kém xa các nước trong khu vực.
Để hiểu rõ hơn về hành động, mục tiêu của Chính phủ trong quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xung quanh vấn đề này.
*Phóng viên: Xin ông cho biết rõ những thay đổi trong môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014?
*Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Có thể nói sau 2 năm (2014, 2015), môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có bước cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên và được các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và ngày càng kỳ vọng vào những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ.
Một số Bộ, ngành và địa phương như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một số địa phương đã tích cực triển khai và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nên môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng.
Cụ thể, theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 - 2016 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), vị thế cạnh tranh của Việt Nam năm 2015 tăng 12 bậc (từ vị trí 68/144 lên 56/140 nền kinh tế) so với năm 2014.
Báo cáo Doing Business 2016 của Ngân hàng thế giới công bố cũng cho thấy, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2015 tăng 3 bậc (từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế).
Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có bước cải thiện.
Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
So với các nước ASEAN 4, Việt Nam được ghi nhận nhiều cải cách hơn, nhờ đó môi trường kinh doanh tăng điểm và thứ hạng tốt hơn (cải thiện 5/10 lĩnh vực), trong khi 3 nước trong khu vực gồm Malaysia, Philippines và Thái Lan xuống hạng, Singapore vẫn giữ thứ hạng đầu.
Bên cạnh đó, những nội dung của Nghị quyết 19 có phạm vi tác động rất rộng lớn, đồng thời cũng hết sức thiết thực và cụ thể với doanh nghiệp. Có thể thấy ngay điều này khi nhắc tới câu chuyện hoàn thuế hết sức nóng bỏng thời gian qua.
Mới đây nhất, trước những tiếng kêu của doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết từ tháng 9 năm nay sẽ chính thức triển khai hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc và điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết “tận gốc” tình trạng một số doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế.
Thực tế, giải pháp căn bản, trọng tâm này đã được Chính phủ yêu cầu triển khai tại Nghị quyết 19, với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin tối thiểu đạt 95% trong hoàn thuế, cùng với các lĩnh vực nộp tờ khai, nộp thuế.
Nghị quyết 19 chính là một “công nghệ” mới trong việc thúc đẩy cải cách thể chế, khi buộc Việt Nam tham gia cuộc đua vào TOP 4 nền kinh tế quản trị tốt nhất trong khối ASEAN.
Tôi khẳng định, doanh nghiệp ngày càng kỳ vọng nhiều vào việc thực thi Nghị quyết 19 để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
*Phóng viên: Ông có thể đánh giá qua 2 năm triển khai Nghị quyết 19 năm 2014 có gặp những khó khăn, vướng mắc gì?
*Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Khó khăn lớn nhất chính là sự trì trệ, thờ ơ ở các Bộ. Theo tôi, cần phải theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm dù đây là việc “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Nếu các Bộ trưởng không thay đổi thì khó có thể giải quyết được. Chưa kể, chúng ta đang có “bệnh nghiện kiểm tra”.
Hiện “cản trở” đang nằm ở các Bộ, ngành. Và tôi hy vọng sẽ khắc phục được những khó khăn ở mức độ nào đó. Chúng tôi đang kỳ vọng một tinh thần mới với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo bỏ rào cản, giảm chi phí, giảm rủi ro, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo đó, sự thờ ơ, trì trệ sẽ mất dần và thay vào đó là sự tích cực, chủ động phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp.
Theo tôi, Bộ Tài chính luôn luôn đi đầu nhưng cần mạnh mẽ hơn trong việc không chỉ kêu gọi mà phải thúc đẩy. Quan trọng người đứng đầu phải biết vướng ở đâu, vướng vấn đề gì, vướng do ai để triển khai thực hiện.
Hiện nay, theo liệt kê, có 196 văn bản, luật, nghị định, thông tư và cấp bách cần sửa đến 87 văn bản; văn bản trực tiếp nhất là các thông tư nằm trong thẩm quyền của các Bộ. Việc thay đổi này nếu được đã là một bước tiến vượt bậc.
*Phóng viên: Theo ông, Nghị quyết 19 năm 2016 khắc phục được những hạn chế gì so với Nghị quyết 19 năm 2014?
*Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Trong Nghị quyết 19 năm 2016 có quy định mới, khác với 2 Nghị quyết lần trước (Nghị quyết 19 năm 2014, Nghị quyết 19 năm 2015) là nêu rõ những nhiệm vụ UBND cấp tỉnh phải thực hiện; trong đó, gắn kết việc triển khai Nghị quyết 19 năm 2016 cải thiện môi trường kinh doanh ở cấp tỉnh là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Một trong những điểm mới của Nghị quyết 19 lần này cần phải nói tới là các Bộ trưởng, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết.
Lần này không có những nhiệm vụ mang tính chất chung chung, khẩu hiệu, tuyên bố mà giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng Bộ, đặc biệt là những bộ quan trọng.
Khó khăn lớn nhất chính là sự trì trệ, thờ ơ ở các Bộ. Ảnh minh họa: TTXVN
Tôi ví dụ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 8 nhiệm vụ, Bộ Công thương có 10 nhiệm vụ, Bộ Tài chính có 6 nhiệm vụ…Những nhiệm vụ như thế gắn với cải cách những văn bản pháp luật cụ thể trên thực tế kiểm nghiệm đã gây nên những khó khăn, phiền hà, phí tổn, rủi ro cho doanh nghiệp.
Với việc quy trách nhiệm rõ ràng, chúng tôi kỳ vọng một sự thay đổi có tính chất bước ngoặt trong cải thiện chỉ số về thông quan qua biên giới với sự dẫn dắt của Bộ Tài chính, sự phối hợp tích cực có trách nhiệm của 14 bộ, cơ quan có liên quan.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng sự thay đổi trong việc cấp phép xây dựng vốn là những vấn đề doanh nghiệp và các địa phương phàn nàn về khâu thủ tục. Trên thực tế, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đây là chỉ số duy nhất của Việt Nam kém đi do thời gian cấp phép xây dựng tăng lên.
*Phóng viên: Vậy theo ông, để nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta cần phải có giải pháp gì?
*Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Theo tôi, trước mắt, chúng ta cần thường xuyên theo dõi, đánh giá trực tiếp để Chính phủ có những chỉ đạo kịp thời, bám sát mục tiêu, nội dung, giải pháp đã được thực hiện trong Nghị quyết. Tiếp đến, Chính phủ sẽ lập những đoàn kiểm tra trực tiếp đến kiểm tra các Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện.
Có thể nói, với một tinh thần đổi mới, với cam kết mới, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết nhiều lần trong các hội nghị, trong các văn bản mà Thủ tướng đã ký gần đây, tôi tin tinh thần đó sẽ được thấm, được quán triệt trong việc thực hiện Nghị quyết.
Và Nghị quyết 19 năm 2016 cũng là một trong những giải pháp chủ yếu đầu tiên được nêu ra trong Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Như vậy, môi trường kinh doanh của Việt Nam chắc chắn sẽ được cải thiện nhiều hơn.
Thủ tướng đã đưa ra cam kết, lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Do đó, ngay cả doanh nghiệp không nên ngồi chờ mà với tinh thần mạnh mẽ hơn, đòi hỏi thay đổi để được phục vụ đúng như tinh thần của Thủ tướng.
Là cơ quan theo dõi, chúng tôi hy vọng tiếp tục làm việc, đề xuất, góp ý để thúc đẩy thay đổi đó.
*Phóng viên: Xin cám ơn ông!
Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN (Thực hiện)