Quy hoạch khu kinh tế biển, bất động sản Thái Bình thu hút làn sóng đầu tư
12 Tháng 5, 2021
Đột phá về kinh tế, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và đang đẩy mạnh trở thành trung tâm công nghiệp, cảng biển phát triển của phía Bắc, Thái Bình là “thỏi nam châm” hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản có tầm nhìn.
Thái Bình – Cực tăng trưởng mới của Vùng duyên hải Bắc Bộ
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, Thái Bình đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đứng thứ 5/11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng, với 64,02 điểm, tăng 3 bậc so với năm 2019.
Từ 2016 – 2020, kinh tế Thái Bình liên tục tăng trưởng trên 10%, cao hơn mức bình quân chung cả nước, và thuộc nhóm tăng trưởng khá cao. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng sản phẩm GRDP tỉnh đạt 53.523 tỷ đồng, tăng gần 3,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 40,9%, khu vực dịch vụ chiếm 32,4%, khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 26,7%.
Vị trí liên kết khu vực duyên hải Bắc Bộ với hơn 54km đường bờ biển, sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản và vùng nguyên liệu dồi dào, Thái Bình hội tụ nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại và đô thị hướng biển. Đặc biệt, năm 2019 Thủ tướng chính phủ ký quyết định thành lập và phê duyệt Quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình với diện tích hơn 30.583ha được xem là động lực đưa nơi đây tăng trưởng mạnh mẽ.
Khu kinh tế Thái Bình thuộc địa phận 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy, nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có cao tốc Quảng Ninh - Thanh Hóa đi qua và cách sân bay Cát Bi 40km, cảng nước sâu Tân Vũ, Lạch Huyện (Hải Phòng) khoảng 30km… Với địa kinh tế thuận lợi, đây là một trong những khu kinh tế của cả nước có chức năng tổng hợp, bao gồm các khu công nghiệp, khu công nghiệp chất lượng cao, khu dịch vụ thương mại và đô thị hiện đại ven biển.
Ngoài ra, quỹ đất dồi dào và dân số trong độ tuổi lao động tới hơn 1 triệu người cũng là yếu tố giúp Thái Bình là điểm đến có sức hút đối với các nhà đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.000 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 130 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 90 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 800 triệu USD.
Trong bối cảnh làn sóng đầu tư quốc tế đổ về Việt Nam, các tỉnh phía Bắc hầu như lấp đầy quỹ đất công nghiệp, Thái Bình sẽ là điểm sáng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Điểm đến “dẫn đầu” xu hướng đầu tư bất động sản bền vững
Giữa cơn sốt đất nền diễn ra nhiều nơi, Thái Bình được đánh giá là thị trường bất động sản “bền và chắc” được lựa chọn hàng đầu bởi nhiều nhà đầu tư. Điều nay dựa trên giá tiềm năng phát triển thực tế, quy hoạch công khai và giá trị bất động sản vẫn đang ở giá trị thực.
Bên cạnh đòn bẩy kinh tế thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, Thái Bình đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 đạt 21,4%, cao gấp 1,65 lần so với năm 2015. Đặc biệt trong vùng khu kinh tế Thái Bình, ước tính đến năm 2025 dân số vùng sẽ đạt 227.000 người (trong đó đô thị là 94.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41%), đến năm 2040 dân số là 300.000 người (đô thị là 210.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%).
Với việc tập trung nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế Thái Bình sẽ là trung tâm đô thị phát triển, thu hút nhân lực trong tỉnh và khu vực lân cận, đội ngũ chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến định cư và làm việc.
Trên thực tế, 2 năm gần đây, Thái Bình không ngừng đầu tư và nâng cấp nhiều công trình hạ tầng đô thị quan trọng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, nông thôn mới. Khu vực công nghiệp đầu tàu như Tiền Hải đang cho thấy sự “thay da đổi thịt” khi hạ tầng giao thông liên kết khu vực như tuyến đường ven biển 221A, cầu Trà Lý và đặc biệt cao tốc ven biển Quảng Ninh – Thanh Hóa đang được triển khai.
Không nằm ngoài quy luật hạ tầng và kinh tế đi trước đô thị phát triển theo sau, bất động sản Thái Bình đang phát triển đồng bộ và ổn định. So với những khu vực đã phát triển dẫn đến cơn sốt ảo, không còn giữ nguyên giá trị thực thì Thái Bình còn nhiều dư địa để phát triển, điển hình cho xu hướng đầu tư tất yếu “chú trọng thời gian hơn khoảng cách” của những nhà đầu tư thông thái.
Theo Báo Xây dựng