The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quyền lực “giấy phép con” ai dễ bỏ!

Chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ cuối tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nêu rõ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải “đổi mới”: chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm; không để tình trạng cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng lại “mọc lại giấy phép con”.

Nội dung này quả thực không mới, nhưng người đứng đầu Chính phủ vẫn phải nhắc đi, nhắc lại. Bởi “giấy phép con” gắn với quyền lực, quyền lợi của các cơ quan quản lý, không dễ nói cắt là cắt được, nói bỏ là bỏ được.

Với con số 5.719 điều kiện kinh doanh trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể thấy phần nào “căn bệnh nghiện quản lý” của các cơ quan chức năng. Nên mới có chuyện 1 thanh socola mà cần đến 13 giấy phép, hay như có lần một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bức xúc phản ánh: “Nuôi gà chỉ mất 40 ngày, nhưng chờ giấy phép mất cả tháng, gà đã quá lứa rồi”.

Hồi tháng 9 vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khiến không ít người sửng sốt với kế hoạch cắt giảm tới 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh do bộ này quản lý. Con số này được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương được các đơn vị thuộc bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Sau Bộ Công Thương đến lượt Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đã có kiến nghị Chính phủ bãi bỏ 36 điều kiện và sửa đổi 15 điều kiện đầu tư kinh doanh tại 18 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chiếm gần 45% trong tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Những động thái tích cực nói trên đã mang lại không khí phấn khởi và nhiều kỳ vọng cho cộng đồng doanh nghiệp, được giới chuyên gia đánh giá cao. Bởi nếu quả thực các bộ ngành chịu “tự lấy đá ghè chân mình”, bỏ bớt đáng kể điều kiện kinh doanh thì rõ ràng sẽ tạo nên môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp khởi sự và hoạt động.

Tuy nhiên, đúng như ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI nói “bỏ điều kiện kinh doanh thường rất khó, mất rất nhiều thời gian nhưng đặt mới, đẻ thêm thì lại rất dễ”. Sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu phía trên các bộ, ngành vẫn hồ hởi báo cáo về số lượng điều kiện kinh doanh được cắt giảm mà phía dưới lại có những loại giấy phép “biến tướng” với đủ hình thức tinh vi hơn.

“675, 700 thậm chí 1.000 – con số đó chẳng nói lên điều gì cả. Con số có thể cao hơn hoặc cũng có thể thấp hơn, điều đó không quan trọng mà quan trọng nhất là việc cắt giảm ấy có đi vào thực chất hay không có tạo điều kiện thuận lợi cũng như gỡ khó cho doanh nghiệp hay không? Cắt giảm phải là thực chất chứ không phải chỉ đưa các con số ra cho đẹp”. Quả thực khi người đứng đầu Bộ Công Thương phát biểu như thế này, chứng tỏ ông đã rất hiểu cái khó, cái gian nan của việc đưa chủ trương vào cuộc sống.

Chỉ đơn giản là nếu không quản lý được bộ phận công chức cấp cơ sở thì với tình trạng tuyển dụng “ngũ ệ” và nhất là với mức lương như hiện nay, khó mà đảm bảo người dân, doanh nghiệp không bị làm khó trong vấn đề giải quyết thủ tục hành chính dưới hình thức này hay hình thức khác.

Số “giấy phép con” có thể thu gọn lại, nhưng nếu thời gian cấp phép dài hơn, nếu từ một giấy phép con lại “đẻ” ra thêm một vài loại “giấy phép cháu, chắt” nữa thì bộ mặt môi trường kinh doanh cũng không thay đổi so với trước là bao.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu trong một buổi tọa đàm về nội dung này đã chia sẻ, ông từng chứng kiến, có doanh nghiệp đã bật khóc tại các cuộc hội thảo vì thời gian xin giấy phép quá lâu.

Đối với cơ quan quản lý, có lẽ 10 – 30 ngày chờ đợi thủ tục cấp phép là không có ý nghĩa nhưng 1 ngày đối với doanh nghiệp là như ngồi trên đống lửa. Một ngày bị chậm trễ chính là việc tính cạnh tranh của doanh nghiệp bị giảm đi, khiến doanh thu, doanh số của doanh nghiệp giảm, cá biệt có trường hợp có thể dẫn đến phá sản.

Chính vì vậy, có lẽ việc nên làm của các cơ quan Nhà nước, thay vì quản lý bằng giấy phép thì nên xây dựng được bộ máy công chức lành mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và xử lý thích đáng với những doanh nghiệp làm ăn gian dối. Điều đó sẽ tốt hơn cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bích Diệp

Báo Dân trí