The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quyết liệt để phát triển doanh nghiệp

Mới đây, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - ông Bùi Anh Tuấn - đã công bố thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận: Sau gần 5 tháng thực hiện Luật Doanh nghiệp (DN), cả nước đã có hơn 40.800 DN đăng ký thành lập mới, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm 2015, sẽ có 94.000 DN thành lập mới. Đây là năm có số DN thành lập mới lớn nhất trong lịch sử. Cũng từ 1.7.2015 đến nay, đã có hơn 134.000 hồ sơ đăng ký thay đổi, tăng 151% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 1/3 số DN này đề nghị tăng vốn điều lệ

Để có được những kết quả nêu trên, thời gian cấp đăng ký thành lập mới DN đã giảm được xuống còn 2,9 ngày; thay đổi đăng ký giảm xuống chỉ còn 2,47 ngày; cách thức quản lý con dấu của DN cũng được thay đổi theo hướng DN có quyền tự quyết về số lượng, hình thức, nội dung của con dấu, hồ sơ đăng ký DN không cần phải đóng dấu; DN có thể tự lựa chọn ngành nghề đăng ký kinh doanh mà pháp luật không cấm… Những thông tin nêu trên cho thấy sự thay đổi của Luật DN đã tạo điều kiện cho người dân có niềm tin vào cơ hội kinh doanh và đã mạnh dạn đầu tư mở DN tạo việc làm.

Con số DN phát triển mới đã cho thấy sự thông thoáng của Luật DN đã và đang phát huy tác dụng tích cực. Nhưng theo ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm CLB Các nhà kinh tế (VEC) - trong bản tham luận gửi Diễn đàn kinh tế mùa thu 2015 đã cho biết: Để nền kinh tế đất nước có thể cất cánh, kinh nghiệm thế giới cho thấy các nước cần ít nhất đội ngũ DN tương đương trên 2% dân số. Với thông lệ này, Việt Nam cần ít nhất 2 triệu DN hoạt động hiệu quả. Điều này quả là một đòi hỏi quá lớn đối với chúng ta hiện nay, khi mà nền kinh tế đất nước mới chỉ có khoảng 400.000 DN đang hoạt động... Còn theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, để nền kinh tế đất nước “cất cánh”, Việt Nam cần một cuộc cách mạng khởi nghiệp với mục tiêu thành lập 5 triệu DN - một đòi hỏi quá lớn so với hiện tại.

Để có được con số DN đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cần phải tạo sự thông thoáng cho người dân dễ dàng mở DN phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Muốn vậy, các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện Luật DN cần phải thực hiện đúng tinh thần của Luật DN. Đây là những vấn đề mà các cơ quan chức năng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển của DN.

Tuy nhiên, vẫn còn có những trở ngại đang gây khó cho việc thành lập mới DN. Theo phát biểu của luật sư Nguyễn Hưng Quang tại hội thảo phối hợp thực hiện Luật DN, hiện vẫn có những văn bản hướng dẫn liên quan đến con dấu vẫn chưa được thực hiện đúng với tinh thần Luật DN 2014. Còn theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng (Ban Pháp chế VCCI), cần phải có cơ chế kiểm soát quy định hướng dẫn luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện một cách hiệu quả. Vẫn còn các văn bản, thông tư, quy định… của các bộ, ngành soạn thảo chưa phù hợp với Luật Đầu tư về điều kiện kinh doanh đang cần được rà soát, loại bỏ nhằm tạo sự thông thoáng cho người dân khi mở DN.

Và muốn để có được số DN cho nền kinh tế có thể cất cánh, theo đề nghị của Chủ nhiệm VEC Đặng Đức Thành thì Nhà nước cần phải xây dựng và hình thành một hệ thống chính sách kinh tế hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ về mặt hoàn thiện thể chế thông thoáng cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ “mở” thành lập hoạt động tại Việt Nam càng nhiều càng tốt. Đồng thời sớm hình thành và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để bảo vệ DN Việt Nam quyết liệt hơn, nhất quán hơn và hiệu quả hơn.

Theo Báo xã luận