The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quyết liệt giảm chi phí cho doanh nghiệp

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương đầu quý IV - 2017 cần có báo cáo sơ kết tình hình giảm chi phí doanh nghiệp, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Theo Báo cáo về điều kiện kinh doanh 2017 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) mới công bố, hiện cả nước có bảy ngành nghề, năm dịch vụ và 19 hàng hóa cấm kinh doanh; 12 ngành nghề chỉ doanh nghiệp nhà nước được kinh doanh; một dịch vụ, bảy hàng hóa hạn chế kinh doanh; 243 ngành nghề, 69 dịch vụ, 23 hàng hóa kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện còn 5.719 điều kiện kinh doanh (thường được gọi là giấy phép con); nhiều nhất là Bộ Công thương với 1.220 điều kiện kinh doanh cho 27 ngành nghề; Bộ Xây dựng ít nhất, với 106 điều kiện kinh doanh cho 17 ngành nghề… Ðáng nói là, có bộ mặc dù đã ban hành danh mục kiểm tra chuyên ngành, nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện, cùng các chế tài đối với các sai phạm khi tiến hành kiểm tra. Ðiều này dẫn đến nguy cơ lạm dụng kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp. Theo VCCI, trong Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 công bố trong quý I - 2017, chi phí không chính thức giai đoạn 2014 - 2016 chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006. Có khoảng 66% doanh nghiệp thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, cao hơn 12 đến 15% so với giai đoạn 2008 - 2013. Nhiều chi phí không chính thức đang bị mặc định thành khoản chi tất yếu để duy trì các mối quan hệ của doanh nghiệp.

Về nguyên tắc, điều kiện kinh doanh là cần thiết để bảo đảm an ninh, an toàn sản xuất, sự cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi khách hàng. Trên thực tế, các điều kiện kinh doanh (giấy phép con) mang tính áp đặt, không hợp lý và bị lạm dụng, "ẩn" trong các nghị định, "núp" dưới danh nghĩa bảo vệ thị trường, nhưng lại can thiệp vào thị trường, làm méo mó thị trường, là vật cản, thu hẹp cơ hội thị trường và quyền tự do kinh doanh; làm tăng rủi ro chính sách, hạn chế sáng tạo; làm mất lợi thế cạnh tranh, phát sinh chi phí mà doanh nghiệp phải gánh chịu, từ cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, chi phí vận tải,... tới chi phí kiểm tra chuyên ngành. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải "gánh" mức lãi vay tín dụng ngân hàng thương mại (trung bình từ 7 đến 9%) và mức đóng bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp đóng 22% mức lương tháng của người lao động) hiện vẫn cao hàng đầu khu vực ASEAN.

Ðể giảm thiểu các chi phí phát sinh, chi phí không chính thức từ điều kiện kinh doanh, cần nhiều biện pháp đồng bộ và sự phối hợp của nhiều cơ quan hữu quan; trong đó, cần sự đột phá cải cách thể chế, tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Công khai các quy định, nội dung khai báo các biểu mẫu hợp chuẩn; minh bạch và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục. Duy trì các đường dây nóng tiếp nhận khiếu nại và hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp; coi trọng, bảo vệ người tố giác tội phạm, đi đôi với đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm những sai phạm; đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan.

Thông điệp mạnh mẽ đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ các rào cản về giấy phép con, lợi ích nhóm, giảm chi phí chính thức và không chính thức, chấm dứt tình trạng "trên nóng dưới lạnh", cán bộ thờ ơ, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Ðây là việc làm cần thiết và thực hiện đồng bộ từ trên xuống, không hô hào suông, mà cần làm thực chất và quyết liệt hơn bao giờ hết.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Báo Nhân dân