The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quyết tâm cải thiện chỉ số PCI

Tiền Giang xác định Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một công cụ quan trọng để đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng công tác điều hành của địa phương trên cơ sở tiếng nói khách quan từ cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Năm 2016, Tiền Giang quyết tâm cải thiện Chỉ số PCI nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch.
Năm 2016, Tiền Giang quyết tâm cải thiện Chỉ số PCI nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch.

Trên cơ sở đánh giá qua PCI, chính quyền địa phương nhìn nhận lại những điểm còn hạn chế trong công tác điều hành, cải thiện môi trường kinh doanh; để từ đó có những cách thức, giải pháp cải thiện những điểm yếu và tăng cường những điểm mạnh của tỉnh nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, tạo được lòng tin đối với DN. Từ những ý nghĩa đó, mục tiêu năm 2016, Tiền Giang phấn đấu đưa PCI của tỉnh vào nhóm xếp hạng trên trung bình của nhóm Khá và không có chỉ số thành phần đạt dưới điểm 5. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đang tập trung thực hiện các nội dung đã được đề ra trong Kế hoạch 122/KH-UBND ngày 5-6-2015 và Kế hoạch hành động 113/KH-UBND ngày 30-5-2016 của UBND tỉnh; đồng thời khẩn trương khắc phục các chỉ số thành phần bị giảm điểm năm 2015 và tiếp tục duy trì, nâng cao điểm số các chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2014.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục thúc đẩy phát triển DN, khuyến khích khởi nghiệp, thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Triển khai thực hiện có hiệu quả quyết định của UBND tỉnh về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, nhằm tạo ra lực lượng DN mới, với năng lực cạnh tranh cao và phát triển bền vững.

Là cơ quan liên quan nhiều đến hoạt động của DN, ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho rằng, cải thiện mạnh mẽ PCI cũng nhằm mục đích thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước để nhanh chóng lấp đầy các KCN, cụm công nghiệp (CCN). Do đó, để góp phần cải thiện nâng cao PCI của tỉnh, Ban Quản lý các KCN sẽ tập trung đầu tư, khai thác các KCN, CCN đã được phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN, CCN, tạo mặt bằng để các DN xây dựng nhà xưởng sản xuất - kinh doanh với chi phí phù hợp. Đồng thời tiến hành công bố, công khai rộng rãi quy hoạch các KCN, CCN, các ngành nghề thu hút đầu tư vào các KCN, CCN để các nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư; tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; cải cách, giải quyết thủ tục hành chính, rà soát và cập nhật các quy định mới ban hành. “Đối với công việc thuộc thẩm quyền, Ban Quản lý Các KCN chủ động xem xét giải quyết nhanh cho các nhà đầu tư đảm bảo các dự án triển khai đúng kế hoạch; kết nối thông tin với DN để hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp” - ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết.

Với kết quả đánh giá các chỉ số thành phần của PCI trong những năm qua cho thấy, Chỉ số Đào tạo lao động, một trong 10 chỉ số thành phần để cấu thành PCI của Tiền Giang luôn ở nhóm thấp nhất và dường như không có nhiều thay đổi về điểm số. Từ kết quả này, ông Trần Văn Sê, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, tỉnh cần thu hút đầu tư các ngành nghề phù hợp với cấu trúc nhân lực của tỉnh, hạn chế các ngành nghề thâm dụng lao động phổ thông. Các trường, cơ sở đào tạo cần phải nghiên cứu nhu cầu thị trường, xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành phù hợp, tránh tình trạng đào tạo ồ ạt những nghề thị trường ít có nhu cầu hoặc đã bão hòa dẫn đến tình trạng dư thừa, sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực xã hội và bức xúc trong dư luận xã hội. Các ngành chức năng cần làm tốt công tác dự báo thông tin thị trường lao động và cung cấp thông tin thị trường lao động rộng rãi để mọi người cùng tiếp cận. Tỉnh cũng cần có chính sách thu hút đầu tư giáo dục nghề nghiệp của các thành phần kinh tế; thể chế hóa vai trò, chức năng của các tổ chức trong đó có DN khi tham gia xã hội hóa dạy nghề”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho rằng, việc cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng về năng lực cạnh tranh của tỉnh sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh. Do vậy, các sở, ngành, địa phương phải triển khai nghiêm túc chương trình hành động của UBND tỉnh; đồng thời tự xây dựng chương trình hành động cho đơn vị, địa phương mình để cùng phát huy hơn nữa những chỉ số thành phần có vị trí cao, tăng bậc và cải thiện tích cực các chỉ số thành phần có điểm số thấp, góp phần đưa PCI của tỉnh tăng hạng, đạt được mục tiêu đề ra.

HỮU NGHỊ

Chỉ số PCI gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế khu vực tư nhân. Theo kết quả đánh giá, xếp hạng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong 10 năm qua cho thấy, PCI của Tiền Giang không ổn định và liên tục giảm điểm trong những năm gần đây. Riêng 3 năm gần đây, tỉnh có điểm số và vị trí xếp hạng bị sụt giảm sâu: Năm 2013 xếp hạng 37/63; năm 2014 xếp hạng 52/63 và năm 2015 xếp hạng 49/63, thuộc nhóm Trung bình. Theo phân tích của ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân cơ bản dẫn đến PCI liên tục sụt giảm là do các chỉ số thành phần trong PCI liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực giảm mạnh. Nếu tính chung 10 chỉ số thành phần cấu thành PCI, năm 2015 Tiền Giang có đến 6 chỉ số thành phần giảm điểm và chỉ có 4 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2014.

Baoapbac.vn