Quyết tâm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) với mục tiêu đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; cả nước có ít nhất một triệu DN hoạt động, trong đó có nhiều DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Nghị quyết 35 nhấn mạnh nguyên tắc: Nhà nước sẽ thực hiện chủ trương là Nhà nước kiến tạo, coi DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển; Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan nghiêm túc thực hiện những nội dung: thực hiện đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử; xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp; nghiên cứu, đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong một số lĩnh vực; rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm; giảm chi phí kinh doanh cho DN; không hình sự hóa quan hệ kinh tế…
Trước đó không lâu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020. Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, chưa đầy một tháng, Chính phủ đã ban hành hai nghị quyết quan trọng liên quan vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN. Điều ấy thể hiện rõ quyết tâm rất cao của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thật tốt để DN phát triển.
Lâu nay, trong thực tế, vẫn tồn tại tình trạng nghị quyết, văn bản pháp luật đã ban hành, nhưng hiệu lực thực thi chưa cao. Bên cạnh đó, do cơ chế giám sát chưa đủ mạnh cho nên có một khoảng cách không nhỏ giữa các quy định của nghị quyết với thực tế thực hiện.
Nghị quyết 35 đưa ra nhiều cơ chế, công cụ phục vụ giám sát thực thi các nghị quyết hỗ trợ DN. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương công khai kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của DN; nếu không giải quyết được thì phải giải thích rõ tại sao. Việc theo dõi, giám sát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ được thực hiện thường xuyên, theo đến cùng vấn đề và truy đến cùng trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu DN.
Ở nhiều địa phương, triển khai thực hiện Nghị quyết 35 được gắn với quyết tâm thực hiện cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bởi, chỉ số PCI được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố trên cả nước. Một địa phương được đánh giá có chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính quyền cấp tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, có chất lượng cao; Chính sách đào tạo lao động tốt; Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.
Dễ thấy, 10 yêu cầu nêu trên đều là những nội dung mang tính sống còn, gắn chặt với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; liên quan mật thiết tới các hoạt động quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh.
Có thể nói, qua Nghị quyết 35, Chính phủ kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ sự vào cuộc quyết liệt của cả bộ máy chính trị trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ quyết liệt. Các ngành quyết liệt. Địa phương quyết liệt. Nghị quyết 35 sớm đi vào cuộc sống, điều kiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN sẽ thuận lợi hơn, mang lại hiệu quả cao hơn.
Phong Nguyên