The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Rà soát các điều kiện kinh doanh: Lo ngại bỏ chỗ này, lại mọc ra nơi khác!

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo rà soát các điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam. Hai tổ chức trên đưa ra kiến nghị loại bỏ 16 ngành nghề khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện; đồng thời, liệt kê danh mục 10 ngành nghề có phạm vi kiểm soát (quản lý) chưa phù hợp.

Trước thông tin báo cáo này, theo nhiều ý kiến từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, việc loại bỏ 16 ngành nghề là quá ít. Đại diện VCCI lo ngại rằng, bãi bỏ được 10 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) sau đó khôi phục lại 7, thậm chí khôi phục lại hơn 10 thì điều đó không có nhiều tác dụng.

DN yêu cầu được tháo bớt “vòng kim cô”

Trao đổi với Lao Động về báo cáo kể trên, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI - cho hay, từ 267 ngành nghề có ĐKKD theo Luật Đầu tư 2014, đến năm 2016 đã rút xuống còn 243 ngành. Song con số các ĐKKD của 243 ngành này lên đến 5.719 (điều kiện) là rất lớn. Trong đó, vẫn còn nhiều ĐKKD được đặt ra mà không tuân thủ đúng nguyên tắc bảo vệ lợi ích công cộng, an ninh an toàn xã hội. Vì thế, theo ông Tuấn, tính cần thiết duy trì các điều kiện này là không cao, hoặc có thể thay bằng biện pháp quản lý khác.

Dẫn chứng về trường hợp cấm đoán Uber, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam - cho rằng, đặt ra nhiều ĐKKD vì Nhà nước thiếu tin tưởng DN, quan niệm DN có thể trốn thuế, lách luật, làm ăn không đàng hoàng. Bên cạnh đó, bà Loan nhận định, Nhà nước quá “bao đồng”, muốn lo từ A-Z với mong muốn tốt nhất nhưng không đủ sức làm. “Thay vì cấm đoán Uber và Grab, Nhà nước nên tháo bớt vòng kim cô trên đầu taxi truyền thống vì các DN kêu có đến 13 “vòng kim cô”, không cách gì cạnh tranh được. Quản lý nhà nước phải đổi mới theo hướng có quy định phù hợp với thực tế chứ không phải nhìn cái sẵn có để soi vào cái mới phát sinh và cho rằng cái mới không phù hợp” - bà Loan kiến nghị.

Ông Lê Xuân Hiền - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Hải Dương - cho biết, các DN đang khổ sở vì việc công khai các ĐKKD chưa theo quy trình, các điều kiện được công bố lẻ tẻ, mỗi ngành một ít, khiến chi phí tuân thủ pháp luật tăng cao, đi liền với đó là cơ hội phát sinh nhũng nhiễu. Đã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận về ĐKKD, ông Hiền đưa ra ví dụ: “Về việc quán Xin Chào (TPHCM) và vụ chìm tàu Thảo Vân 2 (TP.Đà Nẵng) cho chúng ta thấy sự lúng túng về các ĐKKD, tiêu chuẩn kỹ thuật. Vụ quán Xin Chào bị kêu ca vì các cơ quan nhà nước yêu cầu quá đáng các ĐKKD, ngược lại, vụ chìm tàu Thảo Vân 2 các cơ quan nhà nước đã không làm đến nơi đến chốn các ĐKKD, tiêu chuẩn kỹ thuật để xảy ra bi kịch. Từ một quán cơm nhỏ đến một con tàu to chuyên chở hàng trăm người không thể nói là ngành nghề nào có điều kiện, không có điều kiện mà đều phải tuân thủ nghiêm túc những ĐKKD dù nó được gọi dưới cái tên nào” - ông Hiền nói.

Bỏ 10 ĐKKD thì khôi phục 7

Nhận định với Lao Động, một trong những chuyên gia nghiên cứu và theo dõi diễn biến của quá trình rà soát các ĐKKD vì quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Cty Luật Basico - cho rằng, có không ít quy định mang tính đột phá về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 đang bị bóp méo vì quan điểm cải cách nửa vời, thỏa hiệp, dễ dãi và thiếu đồng bộ. Theo LS Đức, việc giảm 267 xuống 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không có nghĩa là sau 2 năm đã giảm được 24 ngành, nghề, mà phần lớn là giảm do sắp xếp lại, thay đổi từ ngữ và sáp nhập một số ngành, nghề.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế VCCI - một trong những thông điệp của chúng tôi cũng muốn truyền tải là quá trình rà soát đơn giản hóa điều kiện kinh doanh quản trị thường xuyên chứ không phải quản trị thực hiện. “Chẳng hạn như anh bãi bỏ được 10 ĐKKD, sau đó khôi phục lại 7 thậm chí khôi phục lại hơn 10 thì điều đó không có nhiều tác dụng. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến nghị chung về VCCI phải có kiểm soát độc lập đặt ra ĐKKD mới, giấy phép kinh doanh mới, nếu các bộ, ngành đều có thể dễ dàng đặt ĐKKD mà không cân nhắc đến lợi ích chung, không cân nhắc tới quyền tự do công dân thì rõ ràng đó là thất bại của quá trình cải cách tại Việt Nam” - ông Tuấn nói.

T.TRANG - T.CHÍ

Báo Lao động