Sáng tạo, đột phá trong thu hút vốn FDI ở Bình Dương
11 Tháng 6, 2021
Dù chịu tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19 nhưng bằng những chính sách, giải pháp linh hoạt, tỉnh Bình Dương vẫn hoàn thành tốt chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo kế hoạch đề ra, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Các dự án FDI mới được trao giấy chứng nhận đầu tư là minh chứng cụ thể cho sự tin tưởng và cam kết gắn bó lâu dài của các doanh nghiệp (DN) FDI ở địa phương giàu tiềm năng này.
Vượt qua đại dịch, hoàn thành mục tiêu kép
Những tháng đầu năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đồng hành, chọn tỉnh Bình Dương là địa điểm đầu tư. Cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp FDI với tổng số vốn hơn 974 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh thu hút được gần 1,3 tỷ USD vốn FDI, đạt 159% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 27 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, bằng 52% so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản... với gần 20 ngành nghề, lĩnh vực, nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Được cấp chứng nhận đầu tư tại Khu công nghiệp Phú Tân (thị xã Bến Cát), dự án Công ty TNHH Công nghiệp New Motion (Singapore) có vốn đầu tư 185 triệu USD chuyên về sản xuất màn hình vô tuyến, màn hình hiển thị, đầu tư xây dựng nhà kho, nhà xưởng, dịch vụ kho bãi. Ông Lim Hua Tiong, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp New Motion bày tỏ: Chọn tỉnh Bình Dương để đầu tư là do môi trường đầu tư thuận lợi. Công ty cam kết triển khai dự án đúng tiến độ, hoàn thành khoảng 40.000m2 nhà xưởng trong quý II-2022 và đặt mục tiêu phát triển hơn 200.000m2 nhà xưởng cùng với nhiều tiện ích trong thời gian 6-7 năm.
Chia sẻ việc quyết định đăng ký tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD, ông Lin Jung Jen, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper cho biết: “Dự án nhà máy sản xuất giấy của công ty tại Khu công nghiệp Quốc tế Protrade (thị xã Bến Cát) với vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1,1 tỷ USD. Hiện công ty chúng tôi ở địa bàn tỉnh đang sản xuất, phát triển ổn định. Chúng tôi đánh giá cao chính quyền tỉnh Bình Dương với các giải pháp hỗ trợ cụ thể đã tạo điều kiện giúp các DN đầu tư thuận lợi. Chúng tôi an tâm và sẽ gắn bó lâu dài với tỉnh”.
Thời gian qua, Bình Dương trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao. Đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh trong năm 2020 đã tăng 9 bậc so với năm 2019, đứng vị trí thứ 4 của cả nước. Ba năm liên tục, tỉnh được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới vinh danh là một trong 21 khu vực, thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới. Theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, đến nay khu vực có vốn FDI của tỉnh đang đóng góp lớn về thu ngân sách và góp phần tích cực trong chuyển giao công nghệ, tạo việc làm, đào tạo kỹ năng cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu các DN khu vực FDI đang chiếm hơn 82% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kết quả này khẳng định, Bình Dương đã vượt khó thành công, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.
Linh hoạt, chủ động tạo môi trường đầu tư
Nỗ lực, sáng tạo trong thực hiện "mục tiêu kép", vừa chủ động phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội đã giúp tỉnh Bình Dương trở thành “đất lành” của nhà đầu tư FDI. Lũy kế đến nay, tỉnh đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI với hơn 3.970 dự án, cùng tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 36,5 tỷ USD. Việc thu hút vốn FDI trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh hiện nay càng khẳng định nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư và sự đồng hành cùng DN của tỉnh. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, giao thông nội tỉnh và liên vùng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không ngừng được đầu tư mở rộng, kết nối. Theo ông Kim Won Sik, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư Hàn Quốc tại Bình Dương, các khu công nghiệp tại tỉnh đã mang đến nhà đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh, cùng môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả. Trong đó, Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tại TP Thuận An là một mô hình khu công nghiệp kiểu mẫu và hiện đại mang tầm quốc tế.
Giải pháp chủ động, sáng tạo của tỉnh đã và đang triển khai là không ngừng ứng dụng thông tin trong cung cấp dịch vụ công để giảm thời gian và chi phí cho DN, duy trì thực hiện hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng internet, bảo đảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính trong vòng 3 ngày, cũng như tích hợp các dịch vụ tiện ích trong hỗ trợ DN... Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp-CTCP (Becamex IDC Corp) nỗ lực tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư nước ngoài bằng hình thức trực tuyến. Qua đó, tạo nên giải pháp đột phá để giúp nhà đầu tư, DN nước ngoài được tìm hiểu, tiếp tục hợp tác, kết nối với tỉnh và hiệu quả đã được minh chứng qua các biên bản ký kết hợp tác.
Theo ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến, tỉnh đã lắng nghe được những mong muốn, góp ý và các vấn đề nhà đầu tư FDI quan tâm để hoàn thiện, bảo đảm thu hút các dự án FDI tốt hơn. Tỉnh cũng kiên trì quan điểm thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, chú trọng đối tác giàu tiềm năng, lợi thế về khoa học công nghệ như: Châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore... để tạo động lực, sức lan tỏa tới ngành công nghiệp trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu thu hút hơn 9 tỷ USD vốn đầu tư FDI. Để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư FDI, tỉnh xác định triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Quân đội nhân dân