Sóc Trăng: Thực hiện NQ 19 về cải thiện môi trường kinh doanh - Chuyển biến tích cực
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP nhằm nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kết quả này ngay lập tức được ghi nhận trong xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2017.
Cải cách thủ tục hành chính là một trong những điều kiện tiên quyết để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhìn từ cấp tỉnh
Triển khai thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh 2017, định hướng đến năm 2020, tỉnh Tuyên Quang đề ra mục tiêu đến hết năm 2017, vị trí xếp hạng PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của tỉnh nằm trong nhóm các địa phương tốp giữa thứ hạng “khá”. Giai đoạn 2018-2020, phấn đấu xếp hạng ở vị trí thứ 2 trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Hưởng ứng mục tiêu trên, từ tháng 3 đến tháng 6/2017, Ban Chỉ đạo PCI tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức 2 Chương trình Cà phê doanh nhân. Tham dự chương trình với tư cách là Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đồng chí Phạm Minh Huấn nhấn mạnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá Tuyên Quang là một trong 2 tỉnh đi đầu cả nước thực hiện Chương trình Cà phê doanh nhân. Từ chương trình này, khoảng cách giữa doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh ngày càng gần gũi, góp phần vào cải thiện PCI. Cho đến nay, mặc dù PCI của tỉnh đã được ở top những tỉnh khá nhưng vẫn còn thấp, nhiệm vụ, mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 là phải phấn đấu vào top 20 trong bảng xếp hạng PCI. Muốn đạt được các mục tiêu đó thì cần phải có ý chí quyết tâm của các cơ quan, địa phương, cùng với sự tiếp sức của doanh nghiệp.
Cũng tại chương trình, đại biểu một số cấp, ngành đã đưa ra những giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính, 100% thủ tục hành chính (TTHC) phù hợp được đưa vào thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; phấn đấu đến năm 2020 mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt trên 80%. Rút ngắn thời gian nộp thuế dưới 119 giờ/năm; đến năm 2020 không quá 110 giờ/năm; rút ngắn thời gian nộp bảo hiểm xã hội dưới 49 giờ; 100% cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và cấp sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm y tế…
Về phía doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh bày tỏ tinh thần không ngừng nâng cao vai trò hỗ trợ hội viên; thông tin kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; lắng nghe, tổng hợp các ý kiến, khó khăn, vướng mắc của hội viên để phản ánh với các cấp, ngành liên quan giúp doanh nghiệp chấp hành pháp luật, thực hiện trách nhiệm của mình với nhà nước và người lao động.
Cũng trên tinh thần xây dựng và đổi mới môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và các doanh nghiệp đã ngồi lại với nhau, cùng tìm hiểu nguyên nhân, bàn cách tháo gỡ sao cho địa phương sớm trở thành điểm đến hấp dẫn ở khu vực Nam Trung Bộ.
Theo ông Nguyễn Tuấn Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong bảng xếp hạng PCI 2016, Bình Thuận đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố; giảm 06 bậc; đạt 58,20 điểm, giảm 0,63 điểm so với năm 2015; bằng điểm trung vị của cả nước. Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng bày tỏ niềm tin vào môi trường đầu tư của tỉnh, đồng thời góp ý về thời gian xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp của các sở ngành còn chậm, một số cán bộ, công chức còn làm khó doanh nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra tìm lỗi để xử phạt là chính; cần hỗ trợ phát triển hạ tầng để hỗ trợ phát triển du lịch; vẫn còn tình trạng bẫy tôm hùm trên biển ở các khu du lịch; tình hình an ninh trật tự ở các địa phương còn phức tạp, đặc biệt là nạn trộm cắp, ma túy…
Các doanh nghiệp đề nghị lãnh đạo tỉnh nghiên cứu sắp xếp lịch công tác để tiếp xúc với doanh nghiệp hàng tháng; chỉ đạo cải cách TTHC, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp; xử lý nghiêm khắc cán bộ gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; chỉ đạo các cơ sở đào tạo tập trung đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp; quan tâm đến việc phát triển khu đô thị du lịch…
Sau khi nghe ý kiến của các sở ngành, doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị UBND tỉnh có giải pháp nâng cao chỉ số CPI; tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp và có hướng giải quyết những vấn đề mà doanh nghiệp đã nêu; tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai, bên cạnh những nỗ lực để cải thiện mội trường đầu tư kinh doanh thì vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục cải thiện, khắc phục những tồn tại một cách quyết liệt, cụ thể là: Môi trường đầu tư, kinh doanh; thủ tục hành chính; công tác thông tin về quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách; việc tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp; tinh thần trách nhiệm, tính năng động, quan hệ phối hợp giữa một số sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho nhà đầu tư; năng lực, trình độ, mức độ tinh thông nghiệp vụ, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức; công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp còn chồng chéo, trùng lắp; công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp; hoạt động của một số hiệp hội còn mờ nhạt.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trong đó, trọng tâm là cải cách TTHC, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp triển khai các dự án. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt mô hình giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư theo hướng đầu mối tập trung tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư. Thực hiện việc tháo dỡ vách ngăn tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã xây dựng Đề án thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện gửi Bộ Nội vụ có ý kiến trước khi triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, thông qua Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (do Chính phủ Canada tài trợ), tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: Đào tạo nhân lực quản trị doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hóa, bảo lãnh tín dụng, tài trợ sáng tạo, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản,…
Hiện này, công tác vận động thu hút đầu tư của tỉnh được đổi mới theo hướng đồng bộ và hiệu quả hơn. Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ (cải thiện môi trường đầu tư, tạo thông thoáng, thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi đến Sóc Trăng), lãnh đạo tỉnh xem xét, lựa chọn một số nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực và thiện chí đầu tư để đến gặp trực tiếp, giới thiệu và vận động đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh.
Chỉ số GII tăng 12 bậc
Bằng Nghị quyết 19, lần đầu tiên Việt Nam định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu; đồng thời xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế. Chính phủ đã đặt mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2020, các chỉ số ĐMST (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO) đạt trung bình ASEAN 5” (đứng sau Singapore, Malaysia và đứng trên Thái Lan và một nước Đông Nam Á khác).
Năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối hướng dẫn, phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, sử dụng báo cáo hằng năm về GII để thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, được thể hiện thông qua việc cải thiện các chỉ số GII. Ngoài ra, ngay sau khi được giao nhiệm vụ cải thiện chỉ số GII, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương vào cuộc, thực hiện ngay các biện pháp khả thi, trong đó phải kể đến việc nhanh chóng cập nhật các số liệu lạc hậu, thu thập và bổ sung một số số liệu còn thiếu, qua đó góp phần có được một đánh giá toàn diện, sát thực hơn về năng lực của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam qua các số đo và xếp hạng GII năm 2017.
Theo Báo cáo GII-2017 vừa được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Trường Đại học Cornell và Viện nghiên cứu INSTEAD công bố ngày 15/6/2017, Việt Nam được xếp hạng thứ 47/127, vượt 12 bậc so với năm 2016 (xếp thứ 59). Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được từ trước đến nay.
Tiến bộ đạt được ở hầu như tất cả các trụ cột của GII năm 2017 có thể nhìn nhận là kết quả chung của cả một quá trình phát triển của Việt Nam trong những năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Từ năm 2014 và liên tiếp trong các năm 2015, 2016, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với những mục tiêu cụ thể gắn với các chỉ số đo đếm được theo các phương pháp chuẩn mực được thế giới công nhận.
Trong bản báo cáo GII-2017 của Wipo viết: “Một số nền kinh tế ASEAN - cụ thể là Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam - hiện được coi là “những con hổ châu Á mới” đang lên. Lấy ví dụ, năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP. Thông qua nghị quyết này, Chính phủ Việt Nam đã phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp cải thiện kết quả (GII) và Bộ Khoa học và Công nghệ đã được giao làm đầu mối phối hợp các nỗ lực này”.
Hy vọng, những đánh giá hữu hiệu trên sẽ là bàn đạp, tạo động lực để các doanh nghiệp, các địa phương cùng cố gắng, nỗ lực để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giúp Việt Nam tiếp tục tăng hạng và trở thành điểm đầu tư hấp dẫn không chỉ ở khu vực mà trên toàn thế giới.
Nguyễn Tố (tổng hợp)