The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Sóc Trăng: Thực trạng Chỉ số PCI về đào tạo lao động

Chỉ số “Đào tạo lao động” của tỉnh trong năm 2019 đạt 5,48 điểm, xếp thứ 61/63 tỉnh, tăng 0,42 điểm, giảm 1 bậc so với năm trước, trong đó, có 7/11 chỉ tiêu tăng điểm và 4 chỉ tiêu giảm điểm. Trước thực trạng nêu trên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp và giải pháp trong công tác giải quyết việc làm nhằm góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, làm tăng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã có thay đổi tích cực, tuy nhiên sự chuyển biến này vẫn còn thấp hơn các tỉnh, thành phố khác, thể hiện qua việc điểm thì tăng, nhưng thứ hạng thì giảm. Cụ thể, tồn tại, hạn chế đó là do công tác truyền thông trong giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh chưa được tổ chức nhiều ở các địa phương; lao động qua đào tạo nghề có kỹ năng, trình độ trung cấp, cao đẳng vẫn còn rất thấp; lao động có chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp trình độ thấp, không bằng cấp, chứng chỉ vẫn còn nhiều (chiếm 93,02% tổng số lao động được đào tạo nghề); chất lượng đào tạo lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, người học nghề sau tốt nghiệp thường thiếu tác phong, kỹ luật lao động, kỹ năng mềm...

Bên cạnh đó, do đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn một số hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chậm phát triển so với sự phát triển của khoa học, công nghệ trong các doanh nghiệp; chương trình, giáo trình đào tạo sửa đổi, bổ sung chưa kịp thời, chưa theo sát với yêu cầu phát triển, yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp của doanh nghiệp; một số ít địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương đào tạo nghề theo địa chỉ, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; việc đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp và việc thực hiện đào tạo nghề nghiệp trong phân luồng học sinh chưa thu hút được nguồn lao động trẻ…

Những tồn tại, hạn chế nêu trên là do thiếu nguồn lực tài chính nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị đào tạo; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh chưa đáp ứng cả về quy mô, năng lực tổ chức đào tạo, nhất là các ngành, nghề mới theo nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu tuyển lao động chưa qua đào tạo nghề vào làm việc... Bên cạnh đó do thiếu cơ chế, chính sách, quy định trong công tác liên kết đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và chưa có cơ chế, chính sách, quy định để đưa các ngành, nghề đào tạo ngắn hạn mà doanh nghiệp có nhu cầu vào đào tạo song hành với chương trình đào tạo nghề phổ thông…

Trước thực trạng nêu trên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp thì giải pháp thực hiện mà ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đưa ra là phải tiến hành triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác truyền thông trong giáo dục nghề nghiệp, gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt; đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghề nghiệp đảm bảo cơ cấu ngành, nghề đào tạo hợp lý; tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, từ các công ty, doanh nghiệp và các cá nhân có điều kiện để cùng phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện, năng lực đào tạo nghề nghiệp cho người lao động theo nhu cầu và theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, phải triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đội ngũ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, người học nghề và doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và cuối cùng là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đẩy mạnh thực hiện các quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh, đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo... gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Trong công tác giải quyết việc làm thì giải pháp hiện nay là tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm tỉnh; chủ động mời gọi các doanh nghiệp có uy tín, chất lượng và năng lực hoạt động trong các lĩnh vực để thu thập thông tin, cung cấp các thông tin về thị trường lao động cho người lao động có nhu cầu và các cơ quan, đơn vị, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức quản trị, khai thác có hiệu quả cổng thông tin điện tử “Người tìm việc - Việc tìm người” của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tạo cầu nối việc làm cho người lao động, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp một cách bền vững, hiệu quả.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp nêu trên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh kiến nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông tin về số lượng doanh nghiệp, lĩnh vực ngành, nghề sản xuất, kinh doanh đã tham gia khảo sát đánh giá chỉ số thành phần về đào tạo lao động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng để giúp cho ngành cùng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đề ra những giải pháp thực hiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp. Kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn, điều kiện bắt buộc trong việc sử dụng lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đối với một số công ty, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: chế biến lương thực, thực phẩm nguy hiểm, độc hại... để áp dụng song hành cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Kiến nghị ngành Giáo dục và Đào tạo xem xét đưa một số chương trình đào tạo ngắn hạn của một số ngành, nghề các công ty, doanh nghiệp đang có nhu cầu với số lượng lớn vào áp dụng song hành với chương trình đào tạo nghề phổ thông và công nhận kết quả đào tạo các ngành, nghề này làm cơ sở cộng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia theo quy định.

Theo Báo Sóc Trăng