The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Sóc Trăng: Xúc tiến thương mại, đầu tư nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL

Đây là hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long-MDEC Sóc Trăng 2014.
Hội nghị có sự tham dự của trên 500 đại biểu là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước; thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương có liên quan; đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, các sở, ngành của 13 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội; một số cơ quan đại diện ngoại giao, tham tán thương mại các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà tài trợ trong và ngoài nước...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Trưởng Ban Chỉ đạo Diễn đàn MDEC Sóc Trăng 2014 cho biết, Hội nghị Xúc tiến đầu tư luôn đồng hành cùng với Diễn đàn từ năm 2007 đến nay, với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp cận tìm hiểu các cơ chế chính sách đầu tư, các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư của các tỉnh, thành phố trong vùng; diễn đàn là dịp để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh doanh.
Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động dồi dào, môi trường đầu tư được cải thiện đã và đang tạo thuận lợi để các nhà đầu tư xúc tiến các hoạt động hợp tác với các địa phương trong vùng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 3/7 địa phương nằm trong nhóm "rất tốt."
Trong số 13 địa phương dẫn đầu cả nước, thì Đồng bằng sông Cửu Long có đến 5 đơn vị, chiếm 38,46%. Nhìn chung, hoạt động xúc tiến đầu tư trong vùng qua các năm có nhiều bước tiến đáng kể, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, đặc biệt các dự án ODA, FDI trên địa bàn có tăng theo từng năm.
Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến đầu tư nói chung và xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua chưa được như mong muốn; phương pháp xúc tiến chưa mang lại hiệu quả cao. Đó là nghịch lý của vùng đất với nhiều tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp.
Trước những khó khăn của hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng thời gian qua, tại diễn đàn này, Hội nghị Xúc tiến đầu tư, tập trung kêu gọi các dự án, công trình vào lĩnh vực thế mạnh của vùng, đó là phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên kết vùng; áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; cải thiện thu nhập cho nông dân, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân...
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, lãnh đạo các tỉnh thành, trong khu vực cũng đã có những tham luận, trao đổi, đóng góp ý kiến xoay quanh các nội dung như: Làm thế nào để thu hút vốn đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; Tìm cách phát triển thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Các chính sách phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của vùng; Giải pháp về đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Là vựa lúa lớn nhất của cả nước, vùng trọng điểm thủy sản, trái cây, nông sản của cả nước nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long không cao, đang có xu hướng chững lại, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng trên dưới 8%, giảm so với cùng kỳ năm 2013.
Cơ cấu chuyển dịch chậm, nông-lâm-ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chiếm tới hơn 35,3%. Trong giai đoạn từ 1993-2014, tổng giá trị vốn ODA cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 5,7 tỷ USD, chiếm 8,2% so với tổng nguồn vốn ODA của cả nước; trong đó, các dự án ODA đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng hơn 500 triệu USD.
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong vùng cũng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, thấp nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2015 là phấn đấu trở thành vùng kinh trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; phát triển mạnh kinh tế biển và phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung cả nước.
Giải pháp cho mục tiêu này, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp với các tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện tốt các mô hình liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản; ổn định và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.
Thực hiện tái cơ cấu kinh tế phải gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; Có chính sách hỗ trợ vốn, ưu đãi tín dụng đối với tổ chức liên kết sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam lại nhấn mạnh đến các chính sách để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần tạo cơ chế thông thoáng để phát triển, mở rộng sản xuất, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình; nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở vùng nông thôn; có chính sách hỗ trợ dân vay vốn đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế biến thủy sản.
Cũng tại hội nghị này, Lễ ký kết ghi nhớ giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng với các nhà đầu tư đã được tiến hành. Sóc Trăng hy vọng qua việc ký kết này, các nhà đầu tư trong cả nước và nước ngoài sẽ quan tâm hơn đến tiềm năng, lợi thế của tỉnh, ngược lại, tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư khi có dự án đầu tư tại tỉnh Sóc Trăng./.

Theo VietnamPlus, TTXVN ngày 06/11/2014