The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Sơn La: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy thu hút nguồn lực đầu tư, Sơn La đã thực hiện đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố và cấp sở, ngành (DDCI) dưới sự hỗ trợ của Dự án Great do Chính phủ Úc tài trợ. Sau một năm thực hiện, những tác động của đánh giá DDCI tới môi trường kinh doanh của tỉnh đã có nhiều thay đổi tích cực.

DDCI được xây dựng với 2 bộ chỉ số là DDCI cấp huyện, thành phố và DDCI cấp sở, ngành. Với 15 chỉ số thành phần DDCI Sơn La bao quát toàn diện các mặt điều hành của chính quyền cấp huyện, thành phố và các sở, ngành. Theo đó, năm 2019, đã khảo sát 400 doanh nghiệp, HTX và 800 hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Những nội dung được khảo sát gồm các chỉ số thành phần, như: Chi phí gia nhập thị trường, khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh, hiệu quả trong cấp phép và thanh tra, kiểm tra; hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình; hiệu quả cải cách thủ tục hành chính và bộ phận một cửa; hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh; chi phí không chính thức... qua đó, đánh giá năng lực điều hành của cấp huyện, thành phố và sở, ngành.

Đối với cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), UBND tỉnh đã thành lập các tổ công tác chuyên trách chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; các sở, ngành và địa phương đã thành lập các tổ công tác, tổ giúp việc PCI, DDCI của các cơ quan, đơn vị; tổ chức chương trình hội thảo, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về PCI, DDCI, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp. Thành lập, kiện toàn Tổ công tác thực hiện kế hoạch nâng cao DDCI do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương trong toàn tỉnh. Nhờ đó, đã từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần tiết kiệm thời gian, cắt giảm chi phí và nâng cao tính công khai minh bạch, đồng thời tăng cường sự giám sát trực tiếp của người dân khi người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại 12 huyện, thành phố và các xã, phường đã từng bước liên thông giải quyết các thủ tục hành chính. Các sở, ngành cấp tỉnh đã rút ngắn thời gian giải quyết 1.125 thủ tục hành chính từ 21.169 ngày xuống còn 16.109 ngày; cắt giảm thời gian giải quyết 150/207 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ 4.120 ngày xuống còn 2.813 ngày... Kết quả khảo sát và xếp hạng DDCI năm 2019 của 20 sở, ngành và 12 huyện, thành phố cho thấy, điểm số giữa các vị trí xếp hạng không có sự cách biệt đáng kể. Với những thông tin minh bạch, DDCI là công cụ quan trọng, vừa tạo áp lực, vừa tạo động lực để thay đổi tích cực môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư đối với cộng đồng kinh doanh.

Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cho biết: Năm 2019, Sở Tài nguyên và môi trường đứng thứ 15/20 bảng xếp hạng DDCI các sở, ngành. Để khắc phục những tồn tại hạn chế trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năm 2020, Sở đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của đơn vị, đặc biệt là cải thiện hỗ trợ doanh nghiệp. Trong năm, đã tổ chức 2 cuộc đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và đã trả lời giải đáp những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ cho các doanh nghiệp về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Hướng dẫn hơn 60 tổ chức, doanh nghiệp hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về giao đất, thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các thủ tục về khai thác tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường...

Năm 2020, với quyết tâm tạo chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh và xếp hạng chỉ số PCI, điểm số và vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố và cấp sở, ngành đã góp phần thúc đẩy cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các thành phần kinh tế phát triển, mang lại lợi ích cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, minh bạch hơn cho các chủ cơ sở sản xuất; tăng niềm tin vào hệ thống chính quyền, nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Theo Báo Lạng Sơn