Sơn La: Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư
14 Tháng 12, 2022
Thực hiện nghiêm phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, những năm qua, tỉnh Sơn La đã nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
3 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu
Những năm gần đây, nhằm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên thực hiện trong từng năm với 3 nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh: Tiếp tục rà soát, xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả các quy hoạch, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách đảm bảo kịp thời, phù hợp, đúng định hướng các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cơ sở, động lực thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục công khai, minh bạch quy trình, thủ tục hành chính đơn giản; kịp thời phát hiện, sửa đổi, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp, cắt giảm các quy trình, thủ tục hành chính rườm rà, giảm thiểu thời gian, chí phí cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, triển khai việc đánh giá DDCI (chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ngành và cấp huyện), cũng là một bước đi mạnh mẽ và nỗ lực cải cách nhằm thay đổi nhận thức, cũng như hành động của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, tạo tính cạnh tranh, ganh đua, thúc đẩy nỗ lực cải thiện những điểm nghẽn, điểm yếu của từng cấp, ngành. Sau đánh giá DDCI, các sở, ngành và cấp huyện, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chú trọng cải thiện chỉ số thành phần, chỉ tiêu cốt lõi còn yếu để cải thiện chất lượng điều hành, hướng tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện, bền vững hơn.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh... kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận chính sách về thuế, tín dụng, trợ cấp xã hội,... nhằm từng bước ổn định đời sống nhân dân và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tỉnh đã thành lập các Tổ công tác hỗ trợ các dự án đầu tư trên địa bàn để nắm bắt vướng mắc mà nhà đầu tư gặp phải, đồng thời tích cực tháo gỡ khó khăn liên quan đến thủ tục về đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng và các thủ tục vận hành dự án...
Với sự nỗ lực trên, Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021 của tỉnh đã đạt 62,45 điểm, xếp 46/63 tỉnh, thành phố, tăng 09 bậc so với năm 2020; trong đó có 8/10 chỉ số thành phần tăng điểm, gồm: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0,73 điểm; tính năng động tăng 0,65 điểm; cạnh tranh bình đẳng tăng 0,59 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng 0,29 điểm; tính minh bạch tăng 0,23 điểm; chi phí không chính thức tăng 0,16 điểm; tiếp cận đất đai tăng 0,15 điểm; chi phí thời gian tăng 0,06 điểm. Nhờ đó góp phần đưa Sơn La là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của tỉnh trong một năm có nhiều khó khăn, thách thức. Chính quyền các địa phương tiếp tục có sự cải thiện trong chất lượng điều hành, lắng nghe, quan tâm và chia sẻ khó khăn với các thành phần kinh tế. Chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh tăng 9 bậc cũng phản ánh chất lượng điều hành, mức độ thuận lợi, tính thân thiện của môi trường đầu tư, kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền cấp tỉnh đã có những thay đổi và cải thiện.
Đánh giá về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao (Doveco), chia sẻ: Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La với quy mô 50.000 tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư đăng ký ban đầu là 400 tỷ đồng đã hoàn thành 90% tiến độ. Qua triển khai dự án, Công ty đã nhận được sự quan tâm của tỉnh, các sở, ban, ngành hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án theo kế hoạch.
Quyết tâm hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư
Trong giai đoạn tiếp theo, nhằm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm và quyết liệt hơn nữa để tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, các thành phần kinh tế có thể phát triển một cách thuận lợi nhất, đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR-INDEX), Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI), PCI. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2022, giai đoạn 2021-2025.
Năm 2022 và các năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh yêu cầu cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong thực thi công vụ, hết lòng vì lợi ích chung. Tỉnh kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính ở các khâu: Giấy phép xây dựng, giải phóng mặt bằng, các thủ tục về đất đai, môi trường,… để tạo thuận lợi lớn nhất cho môi trường đầu tư kinh doanh.