The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

“Sự hỗ trợ doanh nghiệp cần được thể hiện trong từng hành vi của cán bộ công chức ...”

Sau khi Bình Phước bị tụt sâu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, Tạp chí Khoa học thời đại đã có cuộc phỏng vấn với ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tìm hiểu về vấn đề này. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Thưa ông, Bình Phước bị tụt sâu Chỉ số PCI là do chỉ số thành phần nào? Nguyên nhân vì sao?

Điều tra PCI 2015 cho thấy trong 10 chỉ số thành phần thì Bình Phước chỉ tăng điểm ở 2 chỉ số thành phần là Gia nhập thị trường (từ 8,14 điểm lên 8,72 điểm trên thang điểm 10), Cạnh tranh bình đẳng (từ 5,18 lên 5,41). Còn lại 8 chỉ số thành phần khác đều giảm điểm là Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Tính năng động, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý.

Có đến một nửa các chỉ số thành phần Bình Phước ở dưới mức 5 điểm như Chi phí không chính thức, Tính năng động, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý. Điều này thể hiện doanh nghiệp chưa hài lòng trong các lĩnh vực này và có nhiều kỳ vọng vào sự cải thiện mạnh mẽ của địa phương trong thời gian tới.

Dưới góc độ chuyên gia, xin ông cho biết tới đây tỉnh Bình Phước cần triển khai đồng loạt các biện pháp gì để có thể vực dậy lòng tin của doanh nghiệp và nâng cao Chỉ số PCI?

Từ kinh nghiệm của chúng tôi, một môi trường kinh doanh thuận lợi đó là thủ tục hành chính phải nhanh gọn, chuyên nghiệp, các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh phải công khai minh bạch để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận dễ dàng; tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu cần phải được hạn chế.

Hàng loạt những giải pháp mà chính quyền tỉnh có thể thực hiện như rà soát lại các thủ tục hành chính để xem hiện tại doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc ở khâu nào. Điều tra PCI của VCCI cho thấy một số vấn đề như tình trạng lạm dụng và chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra khá phổ biến. Trong mẫu điều tra có khá nhiều doanh nghiệp cho biết họ phải đón tiếp 10-12 đoàn thanh tra, kiểm tra chỉ trong một năm, 30% doanh nghiệp phàn nàn rằng thanh tra, kiểm tra bị trùng lặp. Có 68% doanh nghiệp ở Bình Phước qua điều tra phản ánh rằng hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến, tăng rất nhanh so với tỷ lệ 24% của điều tra năm 2013.

Theo tôi, có một số lĩnh vực mà Bình Phước cần tập trung cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới như Bảo hiểm xã hội, đất đai, thuế, xây dựng…

Tôi nghĩ rằng, mức độ hỗ trợ doanh nghiệp cần được thể hiện trong từng hành vi của cán bộ công chức các cấp chứ không chỉ dừng lại ở những chương trình hội thảo, văn bản ban hành hay những phát biểu, tuyên bố.

Bài học ở tỉnh nào có thể vận dụng được với Bình Phước, thưa ông?

Hiện nay việc cải thiện môi trường kinh doanh đang diễn ra rộng rãi và mạnh mẽ ở rất nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam. Nhiều mô hình tại các tỉnh thành phố rất thành công, được doanh nghiệp đánh giá cao. Chẳng hạn ở Quảng Ninh đã xây dựng và vận hành Trung tâm hành chính công, tập trung ở cấp tỉnh và xuống tận cấp huyện. Người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính chỉ cần đến một nơi mà thôi. Nơi đó cơ sở vật chất khang trang, công chức lịch sự, chuyên nghiệp, thông tin và thủ tục rất minh bạch. Sau khi thực hiện thủ tục hành chính, doanh nghiệp có thể bấm nút để thể hiện sự hài lòng của mình, các thông tin này được hiển thị công khai. Quảng Ninh cũng là địa phương đã triển khai thí điểm mô hình “đầu tư tư, sử dụng công” khá hiệu quả, doanh nghiệp tư nhân đầu tư cơ sở hạ tầng và chính quyền thuê làm trụ sở dài hạn.

Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Giang… và nhiều địa phương khác đã và đang triển khai xây dựng và công bố xếp hạng đánh giá về mức độ thực hiện thủ tục hành chính của các sở ngành, huyện thị trong tỉnh. Doanh nghiệp có quyền đánh giá sự hài lòng của họ về các cơ quan trong tỉnh cũng là một sức ép quan trọng thúc đẩy chuyển biến trong thực thi.

Bắc Ninh có mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” để hỗ trợ những khó khăn mà doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa gặp phải. Nhiều địa phương hiện đang ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ; đẩy mạnh quảng bá sự thân thiện; hỗ trợ, đồng hành của chính quyền đang diễn ra sôi nổi, thiết thực. Có rất nhiều những kinh nghiệm tốt tại các địa phương mà Bình Phước có thể tham khảo, vận dụng.