Sửa đổi đồng loạt 5 sắc thuế sẽ khiến chi phí doanh nghiệp tăng cao
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc sửa đổi đồng loạt 5 sắc thuế sẽ khiến chi phí DN tăng cao, nếu tiếp tục chính sách tăng thu sẽ làm xói mòn khả năng tích lũy tư bản để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất; làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
VCCI vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về đề xuất sửa đổi 5 Luật Thuế: giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên.
Sửa đổi 5 sắc thuế sẽ khiến chi phí chung của doanh nghiệp tăng cao.
Việc sửa đổi 5 sắc thuế sẽ khiến chi phí chung của các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng cao, đại đa số là các DN nhỏ và siêu nhỏ, nếu tiếp tục chính sách tăng thu sẽ làm xói mòn khả năng tích lũy tư bản để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất; làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Với đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, VCCI cho rằng việc này khiến các doanh nghiệp khó cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu do hàng nhập khẩu được hưởng thuế suất 0% ở nước xuất khẩu và không chịu thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam. Vô hình trung, quy định này khuyến khích nhập khẩu, đi ngược lại chính sách khuyến khích sản xuất trong nước.
Do đó, nên hạn chế tối đa phạm vi những mặt hàng thuộc diện không chịu thuế, chuyển các mặt hàng đó sang diện chịu thuế suất 0%, 5% hoặc 10% tuỳ vào mục tiêu chính sách.
Về thuế suất thuế giá trị gia tăng, VCCI nhận định cơ quan soạn thảo chưa có đánh giá tác động kỹ lưỡng và nên cân nhắc việc tăng thuế. Đây là loại thuế lũy thoái đánh vào tiêu dùng. Mặc dù tăng cùng một mức thuế suất, nhưng người có thu nhập thấp lại chịu tác động lớn hơn do tỷ lệ chi tiêu cho tiêu dùng trên tổng thu nhập của người có thu nhập thấp cao hơn người có thu nhập cao.
Như vậy, xét về tác động xã hội, việc tăng thuế giá trị gia tăng có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo, gây khó khăn hơn cho các hoạt động xoá đói giảm nghèo và có thể kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội khác.
“Việc tăng thuế giá trị gia tăng vừa tạo ra chi phí đẩy, vừa giảm sức cầu của nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu vĩ mô mà Chính phủ đề ra. Cụ thể, chi phí thuế tăng có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và các doanh nghiệp dân doanh trong nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”, VCCI nêu.
Theo đó, các DN FDI hiện nay tập trung nhiều vào việc sản xuất hàng xuất khẩu, không chịu thuế Giá trị gia tăng. Các DN nhà nước mặc dù cũng phải nộp thuế nhiều hơn nhưng sau đó có thể được thụ hưởng từ các khoản chi đầu tư tăng thêm có được từ tiền tăng thuế.
Theo các chuyên gia, việc tăng thuế và số tiền thu được tăng thêm (ước đoán 70.000 tỉ đồng) được giữ lại trong ngân sách, không làm tăng chi ngân sách thì mức tăng CPI như thế là phù hợp. Tuy nhiên, theo VCCI Nhà nước không thể thu thêm thuế rồi để đó mà sẽ sử dụng tiền thuế này để chi tiêu công. Việc Nhà nước sử dụng những đồng tiền thuế này chi tiêu như thế nào có thể sẽ kéo theo lạm phát.
Chưa nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt
Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt, hiện nay chưa có đánh giá cụ thể hơn về việc, liệu việc đánh thuế ở mức 10% đối với nước ngọt như vậy sẽ làm giảm hoặc làm chậm tốc độ tăng tỷ lệ béo phì ở Việt Nam là bao nhiêu. Đây là yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc về hiệu quả của chính sách thuế.
Việc áp thuế cũng ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng của các gia đình tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tác động tiêu cực đến các DN và người nông dân trong một số lĩnh vực nông nghiệp.
Mức thuế 10% có thể không ảnh hưởng nhiều đến các gia đình ở thành thị, nhưng sẽ là tác động đáng kể đối với khả năng chi tiêu của nhiều gia đình tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thuế nước ngọt có thể sẽ không chỉ tước đi niềm vui của các em nhỏ nông thôn mà còn có thể làm chậm tiến trình xóa suy dinh dưỡng trẻ em.
Bên cạnh đó, không chỉ các DN sản xuất nước giải khát, các DN mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng, mà có thể ảnh hưởng cả những doanh nghiệp, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả sữa (mặc dù sản phẩm sữa không bị đánh thuế nhưng nếu đánh thuế cà phê sữa, trà sữa, sữa trái cây thì có).
Đơn cử ngành công nghiệp mía đường, hiện nay thuế giá trị gia tăng đối với đường chỉ là 5%. Nói cách khác, Nhà nước có chính sách ưu đãi thuế đối với ngành mía đường, nhằm bảo đảm quyền lợi của người nông dân trồng mía. Thế nhưng cũng chính sản phẩm đường đó, pha vào nước đóng chai thì lại phải chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt, tức là Nhà nước không khuyến khích. Như vậy, ở đây đã thể hiện sự thiếu nhất quán về chính sách.
Từ đó, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại Việt Nam.