The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Sức nóng cải cách từ địa phương

“Cuộc đua” cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vần còn nguyên “sức nóng”. Mỗi lãnh đạo tỉnh đều cố gắng thể hiện sức sáng tạo để tìm ra con đường ngắn nhất tiến tới mô hình quản trị chuyên nghiệp và hiệu quả phục vụ cộng đồng DN.

Ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Vươn lên từ một tỉnh thuần nông

Sau 20 năm nỗ lực kể từ khi chia tách tỉnh, đến nay Quảng Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997 - 2016 đạt 11%; hạ tầng công nghiệp, giao thông, đô thị được đầu tư nâng cấp. Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, thuộc nhóm nghèo nhất nhì cả nước đã trở thành một tỉnh công nghiệp khá, nông nghiệp chỉ còn chiếm gần 12% trong cơ cấu kinh tế, tự chủ ngân sách và đóng góp 10% về Trung ương. Đặc biệt, năm 2015, 2016, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng trong top 10 của cả nước và đứng thứ 2 khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Để đạt được những kết quả đó, trong thời gian qua, hàng loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp đã được tỉnh Quảng Nam triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và bước đầu mang lại hiệu quả như: thành lập trung tâm hành chính công để giải quyết các thủ tục hành chính; thành lập Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam - www.htdn.ipaquangnam.gov.vn nhằm giải đáp kịp thời những kiến nghị, phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Ngọc Căng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi: Chủ động đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án, đầu tư, sản xuất kinh doanh, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đặc biệt, giá cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư với mức thấp nhất là 0,5% theo khung giá quy định của Chính phủ. Tỉnh hỗ trợ tương đương 20% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với những dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư; hỗ trợ 70% chi phí đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án, đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng từ 50 đến 90% và miễn tiền thuê đất suốt đời dự án, đối với lĩnh vực xã hội hóa như giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, môi trường.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi còn hỗ trợ chi phí đào tạo lao động; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư; hỗ trợ công tác truyền thông quản bá hình ảnh; hỗ trợ về thủ tục hành chính, với cơ chế nhanh gọn, một đầu mối, có hiệu quả cho nhà đầu tư. Đồng thời, lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền của tỉnh sẽ thường xuyên định hướng, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư khi đến đầu tư tại tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Tập trung nguồn lực cải thiện môi trường đầu tư

Với nỗ lực và quyết tâm trong xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và minh bạch, hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, bám sát các mục tiêu đề ra của Chính phủ trong Nghị quyết số 19-2016 và Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP.

Quảng Ninh tạo sự vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầư tư kinh doanh từ cấp tỉnh đến cơ sở thông qua xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động cụ thể, với mục tiêu rõ ràng và phân công nhiệm vụ đến từng cơ, quan đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Quảng Ninh tếp tục cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh: chỉ đạo thường xuyên rà soát, nghiên cứu, cắt giảm thời gian, thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, gắn với việc nâng cao năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thực thi công vụ theo tinh thần “Chính quyền tận tâm, doanh nghiệp tận lực”. Chúng tôi tập trung nguồn lực để tiếp tục đầu tư và hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các dự án trọng điểm như: Sân bay Vân Đồn, Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long- Vân Đồn,... thu hút đa dạng nguồn lực đầu tư, khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án hạ tầng cơ sở nhằm tạo kêt cấu hạ tâng đồng bộ.

Thứ tư, nâng cao minh bạch và công khai thông tin liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp và của cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh, chú trọng công khai các thủ tục hành chính công, các dự án, quy hoạch; đổi mới quy trình, thủ tục giao dịch trong giải quyết công việc với công dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin nhanh, dễ dàng, đơn giản và thuận tiện.

Thứ năm, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp bằng những giải pháp và hành động thiết thực, quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại doanh nghiệp vơí những cách thức mở, đi vào thực chất và thực hiện ở từng cấp, từng ngành, công khai quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh; đồng thời nghiên cứu để ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm, CEO, ưu đãi vào cụm CN… nhằm tạo những hỗ trợ cần thiết cho hoạt động phát triển doanh nghiệp. Xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp theo ba hướng chính: thúc đẩy doanh nghiệp tái khởi nghiệp; thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nghiệp mới trong nhân dân.

Ông Vũ Hồng Bắc - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Sẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020

Để đạt được mục tiêu trên, chúng tôi đã đề ra các giải pháp đồng bộ và được thực thi hiệu quả, tạo động lực phát triển mới.

Thứ nhất, triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả những nội dung chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Thứ hai, huy động tổng hợp và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tập trung chỉ đạo và dành nguồn lực thỏa đáng cho các công trình, dự án lớn, có sức lan tỏa và tác động tích cực phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ ba, thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực canh tranh của nền kinh tế; tiếp tục phân cấp, phân quyền gắn trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ cương trong thực hành công vụ.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện 3 đồng hành, 5 hỗ trợ DN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn, khuyến khích khởi nghiệp, đặc biệt quan tâm hỗ trợ phát triển DN địa phương tham gia công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng suất...

Thứ năm, tập trung quản lý nhà nước và có cơ chế khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học.

Thứ sáu, tăng cường mối quan hệ với các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các nhà đầu tư, các tổ chức nước ngoài, các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước để giới thiệu quảng bá hình ảnh và môi trường đầu tư của Thái Nguyên.

Ông Mùa A Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: Khai thác hợp lý và có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh

Trong thời gian qua, để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Điện Biên đã tập trung vào thực hiện các nhóm giải pháp như: Tăng cường đối thoại, cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Ngay từ những ngày đầu của năm 2017, UBND tỉnh Điện Biên đã tiếp tục ban hành các Kế hoạch hành động, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành để thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp như: Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ, Kế hoạch hành động thực hiện đề án nâng cao năng lực cạnh tranh PCI tỉnh Điện Biên năm 2017...

Bằng việc thực hiện có hiệu quả, nhất quán, thực chất, môi trường kinh doanh của tỉnh ngày càng thông thoáng, minh bạch. Các chỉ số về năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện, được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức ghi nhận, đánh giá tích cực. Đặc biệt, chúng tôi đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và công tác thi hành pháp luật. Tỉnh Điện Biên đã xác định động lực chính phải thực hiện trong thời gian tới đó là: Khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu để tăng trưởng bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực.

Ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá: Đạt tỷ lệ 41 DN/1 vạn dân

Quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ là luôn quan tâm, đề ra các chiến lược phát triển doanh nghiệp, coi DN là yếu tố quyết định sự tăng trưởng kinh tế- xã hội. Trong giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa xác định mục tiêu đạt tỷ lệ 41 DN/ 1 vạn dân.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đã và đang tăng cường các kênh thông tin nhằm nắm bắt và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua đối thoại với doanh doanh nghiệp. UBND tỉnh mong rằng, từ thực tế phát triển của cộng đồng doanh nghiệp sẽ thường xuyên nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân.

Về phía cơ quan quản lý, các cấp, ngành chức năng sẽ đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin về cơ chế, chính sách, các quy hoạch của tỉnh đến doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng một nền hành chính năng động, hiện đại, quy định rõ trách nhiệm giải quyết của từng công chức nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của DN và nhân dân.

Đặc biệt, ngoài việc tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh định kỳ theo Quý, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ cùng với các sở, ban, ngành có liên quan trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp hàng tháng để lắng nghe, tiếp thu ý kiến. Đây là một điểm mới, thể hiện sự quyết tâm của UBND tỉnh trong việc thực hiện NQ của Chính phủ.

Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Cà Mau nỗ lực để DN đồng tốc phát triển

Trong những năm qua Cà Mau đã quyết liệt chỉ đạo các sở ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình rà soát lại các công việc của từng ngành và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là CCHC liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài nguyên và môi trường. Trọng tâm là rà soát TTHC, cắt giảm tối thiểu từ 20% đến 30% thời gian thực hiện TTHC so với quy định hiện hành cho nhà đầu tư, DN. Tỷ lệ đăng ký qua mạng điện tử về thủ tục thuế đạt trên 98% DN và 91% DN nộp thuế điện tử; giảm thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở; rút ngắn thời gian hoàn thuế.

Đặc biệt ở lĩnh vực thuế và hải quan đã thể hiện được tính minh bạch. Vì vậy, các DN không phải bỏ ra các chi phí bôi trơn hay các chi phí không chính thức. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau thực hiện dịch vụ công trực tuyến với 1.520 thủ tục được cung cấp ở mức độ 1 và 2, đạt 82,79%; thực hiện TTHC qua mạng đến nay đã có 21 sở, ngành và các huyện, thành phố tham gia.

Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: Phấn đấu mỗi năm có thêm 1.700 DN

Sau khi có Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tỉnh Quảng Bình đã vào cuộc với các chương trình rất cụ thể với mục tiêu phấn đấu mỗi năm Quảng Bình có thêm 1.700 DN.

Từ đầu năm 2016 đến nay, để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, tỉnh Quảng Bình đã định kỳ mỗi Quý tổ chức một lần Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt đối thoại trực tiếp doanh nghiệp, giải đáp thắc mắc một lần với sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp. Bên cạnh đó Quảng Bình còn tổ chức thường xuyên những cuộc gặp mặt các doanh nghiệp theo từng mảng, chuyên đề như mảng du lịch, nông nghiệp, dịch vụ…

Đặc biệt là các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh luôn được Quảng Bình đồng hành cùng doanh nghiệp từ lúc khởi công tỉnh phải lo hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hàng rào… và khi dự án đi vào hoạt động thì cũng luôn có sự đồng hành của tỉnh.

Ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Tiền Giang ban hành chính sách dài hạn

Thực hiện Nghị quyết số 19CP và 35CP của Chính phủ , tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện 02 nghị quyết trên, trong đó phân công cụ thể cơ quan chủ trì, nội dung công việc, thời gian thực hiện, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu của đơn vị, phấn đấu chỉ tiêu thực hiện cao hơn kế hoạch đề ra… hàng quý có sơ kết, báo cáo đánh giá để có chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời. Ngoài ra, để thống nhất trong nhận thức và hành động từ cấp ủy Đảng đến các cấp chính quyền, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 27/12/2016 về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020…

Tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Từ tháng 6/2016 đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức 1 Hội nghị phát triển doanh nghiệp (qui mô khoảng 500 doanh nghiệp tham gia) và tổ chức 4 Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, hàng tuần UBND tỉnh đều bố trí lịch công khai dành 01 ngày để Thường trực UBND tỉnh tiếp xúc nhà đầu tư, doanh nghiệp…

Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch Ubnd Tp Cần Thơ: Quyết tâm tạo môi trường thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh

Quán triệt Nghị quyết số 35 và Nghị quyết số 19 của Chính phủ, UBND TP Cần Thơ đã có kế hoạch triển khai cụ thể với 60 đầu công việc.

Địa phương cũng đã xúc tiến thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 35 và 19; Ban hành Chương trình hành động phân công các Sở, ngành, cơ quan có liên quan và UBND quận, huyện thực hiện 19 nhiệm vụ chủ yếu và 60 công việc cụ thể, xác định rõ xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, nhiệm vụ và theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện; tập trung thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; đồng thời cũng có cơ chế giám sát, phát động thi đua trong thực hiện công việc này.

Với sự quyết tâm của địa phương, năm 2016 Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Cần Thơ đã có nhiều cải thiện: xếp hạng 11/63 tỉnh, thành, và hạng 3 của khu vực, được xem là tốt nhất trong vòng 10 năm qua. Đặc biệt năm 2016, TP Cần Thơ còn vươn lên dẫn đầu cả nước về chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI). Những thành quả đạt được như trên phần nào đã cho thấy sự quyết tâm của địa phương trong nỗ lực cải cách.

Ông Lê Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải phòng: Ba đột phá chiến lược

Năm 2016 Hải Phòng bứt phá thu hút đầu tư đứng số 1 trên cả nước về thu hút vốn FDI; và PCI đứng thứ 21 nhảy 7 bậc so với năm 2015. Với quyết tâm to lớn của lãnh đạo TP về Nghị quyết 35/NQ-CP, Hải Phòng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa, thu hút các nguồn lực đầu tư. Đó cũng là những hành động cụ thể trong thực hiện ba đột phá chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu sớm đưa Hải Phòng lên tốp đầu PCI.

Ngay sau khi có nghị quyết 35/NQ-CP, UBND thành phố Hải Phòng đã có Kế hoạch số 962/KH-UBND ngày 28/6/2016 để triển khai thực hiện. Theo đó, Hải Phòng phấn đấu tới năm 2020, có 31.000 DN hoạt động, trong đó có nhiều DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài các giải pháp hỗ trợ đầu tư, UBND thành phố giao Sở KH-ĐT bảo đảm thời gian giải quyết thủ tục đăng ký DN xuống dưới 3 ngày làm việc. Hải Phòng thành lập và công khai đường dây nóng về đầu tư nước ngoài; tổ chức các khóa đào tạo doanh nghiệp khởi nghiệp…

Ông Nguyễn Văn Trì – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Giải quyết chứ không giải thích

Thực hiện mục tiêu phục vụ đồng hành, tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, những năm gần đây, đặc biệt năm 2017 các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành, thị đã tích cực tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc tháo gỡ khó khăn cho DN với quan điểm là giải quyết chứ không giải thích. Cụ thể, Vĩnh Phúc đã công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và đổi mới công nghệ, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ thương mại điện tử… Có nhiều chính sách tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN vay vốn.

Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo và đưa ra các giải pháp liên quan đến việc chỉ số PCI bị tụt hạng. Tập trung hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, minh bạch hóa quy trình giải quyết. Đặc biệt, điểm mới trong việc cải thiện môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc là sự vào cuộc tích cực của các ngành trong việc giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN, hàng quý UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Hội DN tỉnh, Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư khảo sát một số DN để DN phản ánh những khó khăn vướng mắc một cách kịp thời nhất.

Ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: 4 nhóm giải pháp

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó tập trung thực hiện 04 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Tỉnh Sóc Trăng xác định “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện để tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2017 và thời gian tới. Theo đó, Tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chỉ đạo thực hiện tốt mô hình giải quyết thủ tục cho nhà đầu theo hướng đầu mối tập trung. Đồng thời Tỉnh đang xây dựng Đề án thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh.

Phương châm của chúng tôi là phải quyết liệt, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Với sự nỗ lực này, chúng tôi đã tạo được sự đồng thuận, tiếng nói chung đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Dương – Chủ Tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Tạo văn hóa DN để phát triển bền vững

Để được cộng đồng DN tin tưởng đánh giá cao về chất lượng điều hành kinh tế DN, các nhà đầu tư đã tin tưởng, đánh giá cao môi trường kinh doanh tại Đồng Tháp. Thời gian qua, Đồng Tháp đã nỗ lực rất nhiều trong việc nâng cao và duy trì trong top đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đặc biệt, trong đó, có mô hình “Cà phê doanh nhân – doanh nghiệp”, được thực hiện từ cuối năm 2015 đến nay.

Qua thời gian thực hiện, chúng tôi thấy rằng mô hình cà phê với DN không chỉ là nơi để giải quyết bức xúc, khó khăn cho DN mà quan trọng hơn là nơi gặp gỡ, trao đổi thông tin hai chiều. Không hẳn DN đến vì gặp khó khăn về thủ tục mà có khi họ cần chia sẻ về một ý tưởng mở rộng sản xuất - kinh doanh hoặc đầu tư một ngành hàng mới. Hoặc ngược lại, lãnh đạo tỉnh cũng cần tham khảo ý kiến của DN khi muốn triển khai một chính sách mới, ngành hàng mới ở địa phương. Đây là sự tương tác chứ không chỉ là nơi để giải quyết sự vụ, sự việc, dù mục đích ban đầu là giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà DN gặp phải.

Bên cạnh đó, chúng tôi nghĩ rằng sự tương tác này đã mang lại một giá trị mới cao hơn, đó chính là tư duy thị trường mà người lãnh đạo đang thiếu. Bởi khi một DN khó khăn, có thể đó không chỉ là cái khó của riêng DN đó, mà là cái khó chung của các DN trên địa bàn.