Tái cơ cấu kinh tế: Vì sao khó thế?
Tại sao thiên thời – địa lợi – nhân hoà mà tái cơ cấu nền kinh tế mấy năm qua lại khó như thế? Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ muốn đặt ra câu hỏi này để cùng được xới xáo và trả lời. Nếu đặt sai mục tiêu thì phải sửa, còn nếu chỉ do cách làm dở thì cách xử lý cho giai đoạn 5 năm tới sẽ chỉ là tập trung hành động.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng”, rất nhiều câu hỏi, những trăn trở về Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 đang được trình Quốc hội xem xét được các chuyên gia phân tích, “mổ xẻ”.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Thiên đặt câu hỏi: Phương cách tái cơ cấu 5 năm qua có thực sự hợp lý? Nhắc lại quá trình tái cơ cấu, vị Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bình luận, Nghị quyết Trung ương 3 khoá 11 quyết định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn xã hội, tưởng chừng tái cơ cấu sẽ rất thuận về xu thế, nhu cầu và tâm lý xã hội. Nhưng kết quả lại không như ban đầu đặt ra.
Vẫn là cơ chế xin – cho
Điểm qua về kết quả, ông Thiên cho rằng 5 năm thực hiện phân bổ lại nguồn lực, kết quả là nguồn lực vẫn dựa vào Nhà nước. Hệ thống giá, nhất là giá đầu vào cơ bản, không được đo lường đầy đủ bằng nguyên tắc thị trường, đó là đất đai, tiền lương, năng lượng và giá vốn nhưng đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Hệ quả là giá điện mãi không điều chỉnh được, tiền lương cũng vậy, lãi suất không thể hạ hơn vì hệ thống phân bổ nguồn lực méo mó, ông Thiên nhận xét.
Đặc biệt, nguồn lực không thay đổi theo thị trường thì mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp theo cấu trúc kinh tế mới không thực hiện được. Cơ chế đầu tư công thực chất chưa thay đổi được, vẫn lấy “xin – cho” làm trụ, phân bố vốn bình quân, dàn trải, tư nhân không được coi trọng, trong khi khó khăn ngân sách trở nên trầm trọng hơn, nợ công tăng nhanh.
Mục tiêu cổ phần hoá vẫn chỉ là hoàn thành nhiệm vụ hơn là đi vào kết quả thực chất của sứ mệnh này. Đến nay, Chính phủ đã cổ phần hóa được không ít doanh nghiệp nhà nước, song thực chất, mục tiêu tái cơ cấu thông qua cổ phần hóa để phân bổ lại nguồn vốn quốc gia, chuyển một phần nguồn vốn cho khu vực tư nhân quản lý sử dụng chỉ đạt được không đáng kể, khoảng 10 – 15% tổng số vốn của các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.
Trong khi đó, hệ thống ngân hàng đã qua được cơn “bĩ cực” nhưng cục “máu đông” nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên, thậm chí còn tăng lên.
Tất cả những nguyên nhân trên đã kéo nền kinh tế tụt hậu và tụt hậu xa hơn, chuyển từ nguy cơ thành hiện thực ngày càng rõ. Những nỗ lực vật lộn để đạt được các thành tích ngắn hạn luôn ở mức “quyết liệt” – che lấp tầm nhìn dài hạn, hướng tới thời đại công nghệ cao và hội nhập quốc tế.
Cần “đội đặc nhiệm” tái cơ cấu kinh tế?
Câu hỏi là tại sao thiên thời – địa lợi – nhân hoà như giai đoạn diễn ra đổi mới, nhưng đổi mới diễn ra rất triệt để, còn tái cơ cấu lại khó như thế? “Nếu không trả lời rành rọt câu hỏi này thì chưa tháo được “nút” của vấn đề”, Viện trưởng Thiên nói.
Gút lại bài phát biểu, ông Thiên băn khoăn: “Tái cơ cấu nền kinh tế phải có cách tiếp cận mới hoàn toàn, vì thế chúng tôi mới đặt vấn đề chỉnh sửa hay thay đổi. Tại sao nói nhiều, quyết liệt ghê gớm, nhưng kết quả lại như vậy, hay chưa muốn làm, chỉ hô to thế thôi?”.
Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế đều khẳng định rằng cần phải có một bộ phận tách rời của chiến lược tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới. Thậm chí, cần thiết phải có một ủy ban, một “đội đặc nhiệm” tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng đứng đầu.
Theo khuyến nghị của ông Thiên, “Cần phải thiết kế, xây dựng một chương trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng mới”.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng trước tiên, phải bỏ cơ chế phân bổ nguồn lực bằng cách phân bổ nguồn lực theo hướng hành chính xin – cho, đang tạo ra sự sai lệch, kém hiệu quả, lãng phí, thất thoát.
Tuy nhiên, ông Cung cũng cho rằng: “Thay đổi này sẽ có nhiều người phản đối, họ sẽ bảo vệ lợi ích của mình. Nên các nhà lãnh đạo phải vượt qua chính mình, phải vượt qua khỏi lợi ích cục bộ ngành địa phương… Có xu hướng là người ta chỉ làm những gì có lợi cho người ta, không có lợi thì chưa làm”.
Đi sâu phân tích từng vấn đề, Viện trưởng Cung cho rằng trong ba đột phá chiến lược của nền kinh tế có đột phá về thể chế là phải thiết lập được một hệ thống thị trường về các yếu tố sản xuất – đây cần là một nhiệm vụ trọng tâm của nền kinh tế.
Trọng tâm thứ hai phải làm là tái cơ cấu khu vực tài chính, phải tư duy lại rằng không chỉ là thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà còn phải cơ cấu lại danh mục tài sản của Nhà nước. Nhà nước cần phải rút khỏi kinh doanh, tập trung vào xây dựng thể chế xây dựng hạ tầng, làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình.
Trọng tâm thứ ba, theo ông Cung, đó là phải xử lý dứt điểm và xử lý nhanh nợ xấu trong ngành ngân hàng. Phải tách rời nhiệm vụ xử lý nợ xấu khỏi việc trừng phạt những người gây ra nợ xấu.
“Đây không phải là khoan dung, cứu rỗi những tổ chức tín dụng yếu kém mà là để giảm được tổn thất mà nền kinh tế phải gánh chịu, để đưa nền tài chính hoạt động trở lại một cách bình thường”, ông Cung nhấn mạnh.
Để làm được ba vấn đề trọng tâm này, vị lãnh đạo CIEM cho rằng phải thay đổi tư duy, thay đổi cách triển khai thực hiện thì mới hy vọng, mới thành công, còn không thì nền kinh tế sẽ thụt lùi.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế ------------------------------- Đến cuối năm nay, nợ công của Việt Nam đã tiến sát mức trần do Chính phủ đặt ra, dự kiến là 64,9%. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng GDP trong năm 2016 thấp hơn so với mục tiêu đặt ra thì nợ công sẽ đạt trần. Tính bình quân 5 năm, bội chi nợ công tăng 5,8% là do kỷ cương ngân sách lỏng lẻo. Vì vậy, làm sao để quản lý nợ công bền vững? Trước hết phải quản lý vấn đề bội chi ngân sách, đây là nguyên nhân chính tăng nợ công. Thứ hai, phải thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong thời gian trung hạn, nợ công sẽ được duy trì ở mức dưới 6%. Ông Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế ------------------------------- Suốt giai đoạn 2011-2015, Việt Nam thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với ba trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn tổng công ty nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, vai trò của NSNN đối với ba trụ cột này rất mờ nhạt. Quản lý NSNN hầu như vẫn dẫm chân tại chỗ và sự lệch pha giữa tái cơ cấu NSNN và nợ công với ba trụ cột này là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tái cơ cấu kinh tế đều đạt kết quả hạn chế. Ts. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI ------------------------------- Các cơ quan nhà nước cần có kế hoạch rút khỏi việc cung cấp trực tiếp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và chuyển giao công tác này cho các hiệp hội doanh nghiệp và khu vực tư nhân thực hiện. |
Thanh Hoa