Lĩnh vực kinh doanh phân bón đang chịu nhiều rào cản do nhiều điều kiện kinh doanh cần được gỡ bỏ. Ảnh: P.V
Tham dự buổi tọa đàm sẽ có đại diện của các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI; đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM; các chuyên gia về kinh tế, chính sách và đại diện các doanh nghiệp. Xung quanh chủ đề này, Báo Lao Động xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Minh Phong về cải thiện môi trường kinh doanh.
Chưa bao giờ cuộc chiến cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam lại quyết liệt và hiệu quả như thời gian gần đây, theo hướng vừa thu hẹp độc quyền nhà nước, vừa cắt giảm các điều kiện kinh doanh và hạn chế can thiệp hành chính trực tiếp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đến nay, tính chất tự do hóa kinh doanh và sự bình đẳng kinh doanh thị trường đã được cải thiện mạnh mẽ với việc cắt giảm từ 49 lĩnh vực, còn 6 lĩnh vực hạn chế kinh doanh và theo Quyết định số 58 ngày 28-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước chỉ còn nắm giữ 100% vốn điều lệ trong 103/250 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong 11 lĩnh vực phải cổ phần hóa (CPH) từ 2016-2020 DNNN; Đồng thời, Nghị định 94 có hiệu lực 1.10.2017, hoạt động thương mại độc quyền Nhà nước chỉ còn giữ ở 20 lĩnh vực (liên quan đến quốc phòng, an ninh; vật liệu nổ công nghiệp; pháo hoa và các dịch vụ liên quan đến pháo hoa; vàng miếng và nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; xổ số kiến thiết và tem bưu chính Việt Nam; thuốc lá điếu, xì gà; hàng hóa thuộc danh mục dự trữ quốc gia; In, đúc tiền; truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia; thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân; bảo đảm an toàn hàng hải và thông tin duyên hải; hoạt động bay; hạ tầng đường sắt (không bao gồm bảo trì); thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện; kè biển; rừng đặc dụng; xuất bản, mạng bưu chính công cộng và hoạt động phát hành báo chí).
Với 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành năm 2016, đã có 4.527 trên tổng số 4.723 thủ tục hành chính (gần 96%) đã được đơn giản hóa. Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công cơ chế một cửa với 4 nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore để chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trong khu vực ASEAN. Riêng cơ chế này ở trong nước cũng đã kết nối được 11 trên 14 bộ. Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Bộ Tài chính), 37 thủ tục hành chính của 9 bộ còn lại đã được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia.
Thời gian nộp thuế đã được cắt giảm từ 537 giờ xuống còn 117 giờ. Khai và nộp thuế điện tử cho doanh nghiệp đã mở rộng 63/63 tỉnh, thành phố T.Ư, với 92% DN kê khai nộp thuế điện tử. Đăng ký doanh nghiệp trực tuyến đã được triển khai với hơn 100 quy trình cấp độ 03 trở lên, trong đó có 95 quy trình được triển khai ở cấp độ 04, đồng thời, thực hiện công khai hóa toàn bộ quy trình đăng ký DN và tình trạng hồ sơ DN trên Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký DN…
Thời gian đăng ký DN thực tế trên cả nước chỉ còn 2,9 ngày so với yêu cầu còn 03 ngày theo Luật Doanh nghiệp; DN chỉ còn phải chịu thanh, kiểm tra không quá 1 lần/năm.
Sự phân nhiệm cụ thể và rõ ràng, sự phối hợp giữa các cơ quan cũng được tăng cường nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ với Nghị quyết 19/2017 đã chỉ rõ hơn 200 nhiệm vụ của bộ, ngành. Mỗi nhiệm vụ đều được Chính phủ giao cho đầu mối các bộ, ngành. Tương tự ở các địa phương thì UBND các tỉnh, thành phố đều giao đầu mối cho các sở, ban, ngành.
Ngày 20.9.2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3610a về cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh (và chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng), bảo đảm chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước sang hậu kiểm, tuân thủ Luật Đầu tư 2014 và phù hợp các cam kết quốc tế, gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; đồng thời, bộ sẽ tiếp tục rà soát để giảm bớt danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, bao gồm cả trước thông quan và sau thông quan.
Bộ Xây dựng đã cắt giảm từ 93 thủ tục hành chính xuống còn 46 thủ tục (đạt 51%) trong lĩnh vực xây dựng. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm 25% so với trước đây và sẽ nghiên cứu để cắt giảm thêm 5-10 thủ tục nữa đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập hạ tầng kỹ thuật thông tin như phần mềm, máy tính, đường truyền… để tạo tiền đề triển khai dịch vụ công cấp độ 3 trong việc cấp phép xây dựng và cấp phép nhà thầu nước ngoài, tạo môi trường thông thoáng hơn nữa cho sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng.
Đặc biệt, Nghị quyết 98/NQ-CP ban hành ngày 3.10.2017 đã xác định chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TƯ 5 khóa XII, theo đó Chính phủ sẽ tiếp tục bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và các cơ quan liên quan tiếp tục, rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Nghiêm túc thực hiện Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 4.2.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020, gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12.2017; tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định kiểm soát và nâng cao chất lượng điều kiện đầu tư kinh doanh, trình Chính phủ trong tháng 12.2017.
Nhờ vậy, môi trường đầu tư của Việt Nam năm 2017 tiếp tục được cải thiện và được ghi nhận trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố; theo đó, Việt Nam được lên hạng 55 (đứng thứ 7 về tỉ lệ nhập khẩu và thứ 11 về tỉ lệ xuất khẩu so với GDP), tức tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm, nhờ những cải thiện mới về mức độ sẵn sàng về công nghệ, tính hiệu quả của thị trường lao động. Xếp hạng quốc tế về Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2017 lại tăng 12 bậc. Tính chung giai đoạn 2013-2017 đã tăng 29 bậc.
Về tổng thể, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện đột phá thể chế, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động vì người dân, doanh nghiệp; đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, với mục tiêu tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân 6,5-7%/năm trong 2017-2020; phấn đấu đạt mục tiêu mà Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6.2.2017 đặt ra về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4, cụ thể: Khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; Nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới) thuộc nhóm 30 nước.
Riêng chỉ tiêu Tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới) phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu. Nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm; Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày, tiếp cận điện năng không quá 35 ngày…