The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

TẠO ĐÀ CHO KINH TẾ TƯ NHÂN BỨT PHÁ

Trong 11 tháng năm 2017, cả nước có 116.045 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký 1.131.819 tỷ đồng, tăng 14,1% về số DN và 41,9% về số vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 24.349 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN lên 140.400 DN. Đây là tín hiệu tích cực từ những thay đổi chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với khối DN tư nhân.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Thời gian vừa qua, hàng loạt chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã tạo đường hướng thúc đẩy phát triển DN, cải thiện môi trường kinh doanh của quốc gia. Hội nghị T.Ư 5 đã ban hành Nghị quyết (NQ) 10 về kinh tế tư nhân (KTTN). Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được ban hành. Nhiều NQ của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển DN, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia như: NQ 19 hay NQ 35. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp ban hành những chỉ thị cụ thể như Chỉ thị 20 về giảm công tác thanh tra, kiểm tra DN vào tháng 5-2017…

Cùng với sự quyết tâm từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng có những chuyển biến rõ rệt về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. Cụ thể, Bộ Công thương đã đưa ra lộ trình cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh, nhiều bộ, ngành cũng đang cố gắng đưa ra các chương trình đột phá. Các tỉnh, thành phố đều đặt ra và cam kết thực hiện bằng được mục tiêu thúc đẩy thành lập DN mới.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định, có thể nói, chưa bao giờ vai trò của DN được nhấn mạnh và đề cao như hiện nay. Lần đầu tiên KTTN được coi là một động lực quan trọng.

Về mặt chính sách, tuy đã có nhiều cải thiện nhưng ông Vũ Tiến Lộc vẫn cho rằng: “Các bộ, ngành chưa chuyển động được như mong muốn. Nhiều bộ, ngành chần chừ trong cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều trở ngại, chuẩn mực OECD vẫn là khoảng cách khá xa.

Cần có giải pháp mạnh hơn nữa

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) kỳ cuối năm 2017 - cơ chế đối thoại chính sách lớn nhất giữa Chính phủ và DN, nhiều ý kiến đã được đưa ra nhằm cải thiện tình hình tài chính và môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DNTN bứt phá.

Thẳng thắn đặt vấn đề về một số vướng mắc trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam khiến DN và đặc biệt là DN nước ngoài vẫn phải mất nhiều thời gian và chi phí, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) Hiroshi Karashima cho rằng: “Dù Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã làm việc rất tích cực nhưng chúng tôi vẫn muốn đề xuất xây dựng một “Cơ chế xử lý khiếu nại do Thủ tướng trực tiếp quản lý” thuộc Hội đồng. Chính phủ Việt Nam cần phải đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết vấn đề này”.

Về môi trường kinh doanh, ông Mark Gillin, Trưởng nhóm Hải quan và thuế VBF, cho biết, có nhiều trường hợp DN đã được cấp giấy phép với mức ưu đãi theo quy định nhưng khi cơ quan thuế vào kiểm tra thì lại từ chối áp dụng, phủ nhận. Trong một số trường hợp, cơ quan thuế cho rằng, cơ quan cấp phép đã làm sai khi cấp những ưu đãi đó cho nhà đầu tư, yêu cầu DN nộp thuế bổ sung, lãi chậm nộp và thậm chí còn yêu cầu DN nộp phạt do kê khai sai thuế. Thực tế, các DN đang gặp phải những vướng mắc, thiệt hại do quy định của pháp luật thuế thay đổi liên tục nhưng không rõ ràng.

Ông Mark Gillin kiến nghị: “Pháp luật về thuế hiện nay nên ban hành quy định cụ thể và chế tài xử lý đối với cán bộ có hành vi ban hành văn bản, quyết định, công văn sai luật, sai thẩm quyền, mâu thuẫn lẫn nhau. Cần có một đường dây nóng và thật sự nóng để tiếp nhận phản ánh cũng như giải đáp khúc mắc cho DN”.

Trăn trở với ước vọng đưa DN ra biển lớn

Đồng Chủ tịch VBF Hirohide Sagara cho rằng, bên cạnh việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa để tạo điều kiện cho khu vực KTTN phát triển thì cần phải duy trì được môi trường kinh doanh với các điều kiện kinh doanh tốt, giảm chi phí, tiếp tục đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Đó là những giải pháp thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.

Trước những tâm tư, kiến nghị của cộng đồng DN, phát biểu ý kiến tại VBF, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, làm sao đưa DN Việt Nam sớm lớn mạnh để có thể vươn ra biển lớn là câu hỏi trăn trở đối với Chính phủ. Thời gian tới, để cùng chung tay cùng cộng đồng DN phát triển, tạo đà bứt phá cho KTTN, Chính phủ sẽ tập trung ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giúp tạo ra các kết nối “thông minh”, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của DN, nhà đầu tư và nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong ngắn hạn Chính phủ sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt các công cụ tài khóa và tiền tệ để nâng đỡ nền kinh tế, thúc đẩy công ăn việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân. Tập trung cải thiện chất lượng thể chế, pháp luật theo hướng tăng tính minh bạch, lành mạnh; nâng cao năng lực quản trị Nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự tăng trưởng, kéo tầng lớp thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá.

Bảo Ngân

Báo Nhân Dân