Tạo đà phát triển kinh tế tư nhân
Đến thời điểm hiện tại, kinh tế tư nhân (KTTN) đang ngày càng thể hiện được vai trò xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế đất nước. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu tính mỗi một đơn vị vốn bổ sung thì khu vực KTTN đang tạo ra doanh thu nhiều gấp ba lần so doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, để phát triển lớn mạnh hơn nữa, cần phải tháo bỏ các rào cản “trói buộc” tạo đà phát triển KTTN.
Theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ năm 2010 tới nay, KTTN đóng góp hơn 43% GDP, trong khi tỷ lệ này của khu vực kinh tế Nhà nước là khoảng 28,9%. Tính chi tiết thì 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển là từ khu vực KTTN. Vì vậy, khu vực KTTN đang dần trở thành một động lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế. KTTN cũng là khu vực có sự phát triển năng động bậc nhất trong các thành phần kinh tế hiện nay của Việt Nam. Điểm đặc biệt là khu vực KTTN đã thu hút khoảng gần 85% lực lượng lao động cả nước, tạo ra khoảng một triệu việc làm hằng năm cho người lao động. Đáng chú ý, khu vực kinh tế này đã tạo việc làm mới cho những đối tượng thuộc diện giảm biên chế hoặc mất việc làm do quá trình tinh giản bộ máy hành chính, cổ phần hóa (CPH) các DNNN, lao động từ khu vực nông thôn chuyển đổi ngành nghề.
Trong 15 năm qua, các DN của tư nhân không chỉ tăng về số lượng, số vốn đăng ký kinh doanh mà còn dần phủ khắp các địa bàn trên cả nước, hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh: Từ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ đến y tế, giáo dục, môi trường... Những tập đoàn KTTN đã dần hình thành với quy mô, tiềm lực ngày càng lớn mạnh, có sức cạnh tranh, vươn ra khu vực và thế giới. Họ đã góp phần nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam và dần từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ ở Việt Nam.
Mặc dù được đánh giá là khu vực kinh tế năng động có giá trị gia tăng khá cao. Song khu vực KTTN vẫn còn những hạn chế cố hữu như trình độ quản lý kém, đội ngũ nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thiếu vốn, năng lực cạnh tranh yếu, thiếu tính liên kết, chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Phó Tổng Thư ký Diễn đàn KTTN Việt Nam (VPSF) Phạm Thị Ngọc Thủy, DN Việt Nam nói chung và DN trong khối KTTN nói riêng vẫn đang hằng ngày, hằng giờ đối mặt rất nhiều rào cản kinh doanh được cho là chưa thật sự minh bạch, liêm chính. Theo đó, là chi phí từ các loại thuế, các chi phí không chính thức, mà trong đó chi phí không chính thức, theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016, lên tới hơn 10% doanh thu của DN. Các yếu tố trên góp phần tạo ra các tiền lệ xấu như DN buộc phải sử dụng cơ chế “xin - cho”, phải “bôi trơn”, “chạy” dự án nếu muốn thuận việc...
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cũng chỉ ra những hạn chế của khu vực kinh tế này như: Chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, cá thể (chiếm khoảng 95%) và DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ (trong số đó có khoảng hơn 90% có mức vốn dưới một tỷ đồng); trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp; trình độ quản trị, tính liên kết yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế thấp.
Tại buổi làm việc mới đây của Thủ tướng Chính phủ với 14 Chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn KTTN hàng đầu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ở Việt Nam hiện nay, trong gần nửa triệu DN thì số lượng DNNN chỉ chiếm 0,5%, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 2,8% còn DN tư nhân chiếm tới 96,7%. Chính phủ quyết tâm đặt mục tiêu phấn đấu là nâng tỷ trọng đóng góp của KTTN từ 43% lên 50 - 60% GDP. Đồng thời khu vực KTTN là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn tới. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động phát triển KTTN, tại Nghị quyết số 98/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 5 khóa XII về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Theo đó, Chương trình đã đưa ra được các nội dung cụ thể, bám sát đời sống phát triển của khu vực KTTN.
Đặc biệt, lần đầu tiên, Nghị quyết số 98/NQ-CP đã đưa vào nội dung bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Hành động trên được coi như đã tháo “vòng kim cô”, tạo đà phát triển KTTN, mở rộng cửa để KTTN tham gia các lĩnh vực có thể làm được mà Nhà nước không cấm, theo đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo và hành động.