Tạo môi trường bình đẳng để phát triển doanh nghiệp
Ngày 29-6, tại TP Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị bàn về cải cách, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Các DN đã thảo luận về những khó khăn và kiến nghị cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, tạo môi trường bình đẳng để DN phát triển.
Doanh nghiệp kỳ vọng vào Chính phủ
Theo Luật Doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1-7, tất cả các điều kiện kinh doanh phải được quy định trong luật hoặc nghị định, các bộ không có quyền ban hành thông tư hướng dẫn. Trên tinh thần này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI đã kiến nghị Chính phủ xem xét xóa bỏ 300 điểm không hợp lý khi đưa thông tư trở thành nghị định. Ngày 1-7 là thời điểm tổng rà soát các điều kiện kinh doanh cho phù hợp với thông lệ quốc tế, sau ngày này nếu DN phát hiện sai sót vẫn tiếp tục kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, sửa chữa. Sự đóng góp của DN là góp phần thúc đẩy quá trình cải cách.
Doanh nghiệp đang kỳ vọng vào sự cải cách mạnh mẽ của Chính phủ. |
Theo ông Phạm Trọng Nhường, Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang, so với gần 6.000 “giấy phép con” hiện có thì con số 300 điều kiện kinh doanh mà VCCI đang tư vấn Chính phủ xem xét xóa bỏ vẫn ít. Còn ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh đánh giá, hiện một số cơ chế, chính sách còn bất cập, chậm đưa vào cuộc sống. Cụ thể hơn, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu lên những vấn đề hiện tại của ngành này. Theo đó, dự kiến năm 2016, ngành Dệt may Việt Nam xuất khẩu khoảng 31 tỷ USD, trong đó TP Hồ Chí Minh chiếm 37% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành còn nhiều tồn tại như thiếu trầm trọng đội ngũ kỹ sư ngành dệt, nhuộm; chưa có trường đào tạo công nghệ thiết kế thời trang; chưa có trung tâm cung ứng nguyên vật liệu… Ông Vũ Đức Giang kiến nghị chính quyền cần tham gia các chiến lược dài hạn của DN như xây dựng trung tâm thiết kế thời trang; định hướng đào tạo những ngành chiến lược ở các trường đại học để cung cấp nhân lực cho dệt may nói riêng và những ngành khác nói chung.
Trong khi đó, ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Thuế mới có hiệu lực từ tháng 9-2016 theo nguyên tắc thuế giảm dần từ thành phẩm đến chi tiết đã xóa được những bất cập tồn tại lâu nay trong ngành cơ khí là thuế nhập hàng thành phẩm bằng 0% nhưng DN nhập nguyên liệu về sản xuất phải chịu thuế. Tuy nhiên, ông Tống băn khoăn không biết bộ luật này có rơi vào tình trạng “trên thông suốt, dưới vướng mắc” như đã xảy ra lâu nay hay không.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC), cộng đồng DN đang thấy có tín hiệu để hy vọng về chính sách thông thoáng, thuận lợi khi Chính phủ quyết tâm bổ sung sửa đổi luật trong tháng 7 này. Tuy nhiên, theo bà Vũ Kim Hạnh, Chính phủ phải nhanh chóng có những hành động cụ thể mà vấn đề cần thiết hiện tại là trang bị cho DN kiến thức hội nhập, những động thái mới của thị trường và đặc biệt là kỹ năng ứng phó với tình hình mới.
Định hướng cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Về nghị quyết đến năm 2020 phát triển đạt 1 triệu DN của Chính phủ, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Cao su - Nhựa TP Hồ Chí Minh cho rằng, Chính phủ cần cụ thể phát triển theo định hướng nào, trên nguồn lực có sẵn hay thành lập DN mới; theo định lượng số DN hay giá trị DN đóng góp. Với các DN khởi nghiệp cũng phải có định hướng cụ thể để tránh mang tính phong trào. Mỗi địa phương nên có một đầu mối để những ý tưởng khởi nghiệp có thể được hình thành và phát triển.
Bà Vũ Kim Hạnh đề nghị VCCI quan tâm đến nhu cầu mới của thị trường và hỗ trợ bằng những chương trình hành động thiết thực cho DN khởi nghiệp. Hiện bên cạnh phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ mà TP Hồ Chí Minh đang khởi động thì bản thân Hội DN HVNCLC đã thành lập 15 câu lạc bộ khởi nghiệp để giúp DN nông thôn khởi nghiệp trong các lĩnh vực chế biến, sản xuất nông sản sạch.