Thay đổi tư duy trong quy định giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính

Hội thảo lấy ý kiến DN đề xuất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính sáng ngày 6/9.

Sáng ngày 6/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến DN đề xuất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính. Nghị định này sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của DN liên quan đến sử dụng chữ ký số, chuyển chứng từ giấy sang chứng từ điện tử, hủy hiệu lực, tiêu hủy chứng từ điện từ … trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, kế toán, kiểm toán, chứng khoán, hoạt động động dịch vụ tài chính, bảo hiểm.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết: “Với các DN việc tăng cường giao dịch điện tử giúp các DN tiết kiệm chi phí, thời gian. Đồng thời, giảm nhũng nhiễu phiền hà cho DN khi hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ phụ trách, mặc khác giao dịch điện tử hiện nay đang là một xu thế. Về phía Nhà nước, sẽ tiết kiệm được khá nhiều nguồn lực, giải quyết công việc hiệu quả hơn, quản lý chặt chẽ hơn với sự liên kết về mặt thông tin. “

Tuy nhiên, đánh giá về hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thời gian qua ông Tuấn đánh giá, vẫn còn những thách thức của việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực tài chính. VCCI cho rằng đấy là chuyển động đồng đều giữa các cơ quan khác nhau, một mặt khuyến khích DN ứng dụng CNTT, tiến hành giao dịch điện tử, hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, các cơ quan pháp luật khác như quản lý thị trường, công an… mức độ chuyển động, thay đổi chưa được tương xứng chính vì vậy DN sẽ gặp những khó khăn.

Nghị định 27/2007/NĐ-CP đã ban hành hơn 10 năm, đến nay, phần lớn quy định của Nghị định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2016/NĐ-CP giải quyết vướng mắc về áp dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử giữa tổ chức, các nhân với cơ quan tài chính, đồng thời bãi bỏ các quy định về tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng để phù hợp với danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên, Nghị định này cũng chỉ mới giải quyết một phần các vấn đề cần xử lý.

Cụ thể, các quy định chưa được sửa đổi của Nghị định 27 thiên về mô phỏng thực hiện theo phương thức giấy tờ truyền thống trên môi trường điện tử, chưa mạnh dạn khai thác lợi thế của phương thức điện tử (xử lý tự động, giảm thao tác thủ công và can thiệp của con người), do đó hạn chế tính hiệu quả của việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Vì vậy, cần xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định 27 và sửa đổi các văn bản liên quan để giải quyết tổng thể các vấn đề bất cập, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

Tại cuộc hội thảo, tựu chung ý kiến của các DN hiện nay cho rằng, giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính vẫn còn quá máy móc theo tư duy hành chính giấy tờ truyền thống, điều này không còn phù hợp với xu thế cũng như cách thức giao dịch điện tử hiện nay. Ví dụ, giao dịch trong dịch vụ ngân hàng, hiện nay mọi giấy tờ, giao dịch, thông tin các ngân hàng đều trao đổi trực tiếp qua mail cho khách hàng, không còn sử dụng bản in như trước. Tuy nhiên, khi khách hàng kê khai thuế thì cơ quan thuế lại yêu cầu chứng từ phải có bản in có chữ ký xác nhận của ngân hàng. Trong khi đó, mọi chứng từ khi được gửi đến tay khách hàng thì đều phải trải qua nhiều khâu xét duyệt, đảm bảo tính chính xác nên việc xin giấy chữ ký xác nhận là không cần thiết.

Ngoài ra, chuyên gia cho rằng cần bổ sung thêm một số thông tư quy định rõ ràng hơn về việc giao dịch trực tuyến. Ông Nguyễn Khắc Thuận - Phó Ban pháp chế Công ty CP chứng khoán MB góp ý: “ Về việc sửa đổi Nghị định 27, tôi nghĩ Bộ Tài chính và các cơ quan soạn thảo nên có Thông tư hướng dẫn cho các công ty chứng khoán các đăng ký, lập hồ sơ xin phép cho hình thức giao dịch trực tuyến chứng khoán, do đối chiếu với các quy định pháp luật hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế, khiến các công ty chứng khoán loay hoay trong việc hoàn thiện hồ sơ, mỗi công ty làm môt kiểu không có một mẫu chung nào cả”.

Nghị định thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP nhằm khắc phục hạn chế của Nghị định này, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai giao dịch điển tử trong hoạt động tài chính, góp phần thực hiện các mục tiêu của Đảng và Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; giảm gánh nặng chi phí đối với DN, nhất là DN nhỏ và vừa; cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế.