The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tập trung hỗ trợ và phát triển để đến năm 2020 Lâm Đồng có trên 9.000 doanh nghiệp

Phát triển doanh nghiệp (DN) là chiến lược lâu dài, nhất quán và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Lâm Đồng trong chính sách phát triển KT, XH.

Theo đó, tỉnh tạo môi trường thuận lợi về pháp luật, các cơ chế, chính sách cho DN thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh nhằm huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phát triển DN theo phương châm tích cực, vững chắc, nâng cao chất lượng, phát triển về số lượng nhằm đạt hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; phát triển DN phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; chú trọng phát triển DN ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn. Đặc biệt, phải hỗ trợ DN đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ…, ưu tiên phát triển DN trong các lĩnh vực, ngành nghề mà sản phẩm có hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng cao, phát huy được tiềm năng, lợi thế địa phương.
Với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhà đầu tư phát triển SXKD, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận, tham gia vào kinh tế của khu vực và thế giới; Lâm Đồng đã xây dựng Chương trình hành động nâng cao hiệu quả của các chương trình hỗ trợ và phát triển DN trên địa bàn tỉnh. Chương trình hướng vào các mục tiêu cụ thể: Tỷ lệ tăng trưởng DN đăng ký KD bình quân hằng năm đạt tối thiểu 15% và đến năm 2020 có trên 9.000 DN; trong đó có khoảng 10% trong tổng số DN có quy mô vừa và lớn, có năng lực cạnh tranh tốt, đóng vai trò đầu tàu trong nền kinh tế. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DN chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Lâm Đồng. Đầu tư của khu vực DN chiếm 35-40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Khu vực DN đóng góp khoảng 60% GRDP vào 2020 và đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng bình quân hằng năm từ 20-30%. Giải quyết việc làm khoảng 20.000-25.000 lao động/năm.
Trong các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh, đáng chú trọng là một số giải pháp cơ bản: Trước hết, Lâm Đồng đặt vấn đề trọng tâm là cải cách hành chính (CCHC), tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Thực hiện CCHC gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao hiệu quả của các cơ quan nhà nước. Khẩn trương triển khai thực hiện một số dịch vụ công trực tuyến mức 3,4… Tiếp theo sẽ tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo.
Tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức và tạo điều kiện cho DN tham gia chương trình xúc tiến thương mại; tham gia hội chợ triển lãm, giao thương; liên kết, tiêu thụ sản phẩm giữa các DN, nhất là với các DN, tập đoàn lớn trong và ngoài nước; tăng cường hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, đặc biệt là các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao. Tham khảo, nghiên cứu tại một số tỉnh, thành phố để tiến hành thành lập, tổ chức và vận hành mô hình “Vườn ươm doanh nghiệp”, “Chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” theo hình thức đối tác công tư, với sự tham gia của các Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức, DN và cá nhân…
Một vấn đề quan trọng nữa là tỉnh bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN. Thường xuyên rà soát quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm… để kịp thời tham mưu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung hoặc bãi bỏ nhằm phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của DN. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng cho DN; chính sách hỗ trợ DN tiếp cận đất sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp và cho phép áp dụng thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tỉnh cũng thường xuyên cung cấp, phổ biến thông tin và hướng dẫn thực thi cam kết khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế và các hiệp định kinh tế - thương mại, nhất là các hiệp định - thương mại tự do thế hệ mới để nâng cao năng lực hội nhập cho DN, tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư, đặc biệt là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Một tin vui vừa đến với Lâm Đồng: Với nhiều nỗ lực khắc phục hạn chế, yếu kém nên năm 2015 tỉnh đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong cải thiện môi trường kinh doanh. Nếu như năm 2014, PCI Lâm Đồng đạt 58,78 điểm, xếp thứ 29/63 tỉnh thành, tăng 7 bậc so với 2013. Đến 2015, theo VCCI và cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Mỹ (USAIS) công bố, Lâm Đồng đạt 59,04 điểm, xếp thứ 21/63 tỉnh thành, tăng 8 bậc so với 2014; được xếp vào nhóm các địa phương có môi trường kinh doanh khá so với cả nước, đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên. Với những nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Chương trình hành động hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 của UBND tỉnh, sẽ đặt nền tảng để DN trên địa bàn tỉnh phát triển thuận lợi, bền vững trong thời gian tới.
LAN HỒ