The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tây Ninh: Nhiều khuyến nghị cho tỉnh để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

Tại buổi tọa đàm về những cơ hội, thách thức và giải pháp cho tỉnh Tây Ninh nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI được UBND tỉnh tổ chức vừa qua, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế, Giám đốc dự án PCI thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao về những tiến bộ của tỉnh trong thời gian qua, qua đó cho thấy những nỗ lực của tỉnh quyết tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong những năm tiếp theo.

Ông Đậu Anh Tuấn- Giám đốc dự án PCI phân tích, chia sẻ kinh nghiệm về năng cao chỉ số cạnh tranh PCI cho tỉnh Tây Ninh

Ông Đậu Anh Tuấn nhận xét, môi trường kinh doanh của tỉnh Tây Ninh nhìn chung có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên cần tiếp tục duy trì các nỗ lực cải cách. Một số điểm sáng như: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự… cần tiếp tục phát huy.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng khuyến cáo thêm đối với tỉnh một số lĩnh vực cần cải thiện như gia nhập thị trường, tính năng động, đào tạo lao động.

Theo ông Tuấn, một số thực tiễn tốt về cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh ở các địa phương khác mà Tây Ninh cần tham khảo như: thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị, sở, ngành (DDCI), hay đổi mới hoạt động đối thoại với doanh nghiệp như mô hình cà phê doanh nhân của tỉnh Đồng Tháp và gần đây đến Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đắk Nông...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc gặp mặt doanh nghiệp FDI tại lễ tổng kết 25 năm thu hút đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh- Ảnh minh hoạ

Một mô hình hay khác là mô hình “bác sĩ doanh nghiệp” của tỉnh Bắc Ninh. Ở mô hình này, Bắc Ninh thực hiện giải pháp phản hồi ngay về cơ chế, chính sách qua email, đồng thời phối hợp với các sở, ngành giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp. Đến trực tiếp doanh nghiệp để ghi nhận, tìm hiểu cụ thể nhằm có phương án giải quyết và tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị kinh doanh.

Về khuyến nghị các giải pháp để cải thiện Chỉ số PCI năm 2019 và những năm tiếp theo đối với tỉnh Tây Ninh, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị tỉnh tích cực, chủ động và đề ra sáng kiến để xây dựng phương án, tổ chức thực thi các chương trình, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.

Tiếp tục rà soát lại môi trường kinh doanh của mình theo từng lĩnh vực từ kết quả điều tra PCI 2018. Tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ của tỉnh, theo lĩnh vực từng sở, ngành, theo địa bàn của quận huyện, theo nhóm doanh nghiệp với những vấn đề chung… Cần đảm bảo các cuộc gặp mặt, đối thoại này có sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Một giải pháp nữa là cần xây dựng chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn, chương trình thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng trao giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, các cơ quan chính quyền địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền, đặc biệt là việc đăng tải đầy đủ các thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư.

Giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra tỉnh, thành phố trong việc làm đầu mối kiểm soát các hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn, kể cả các cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan trung ương.

Đức An

Theo Báo Tây Ninh