‘Thả’ điều kiện hoạt động chứng nhận hàng hóa xuất khẩu sẽ bị trả về nhiều hơn?
Đại diện VCCI cho rằng cần để DN tự quyết trong việc lựa chọn nhân lực cho tổ chức chứng nhận. Liệu điều này có phù hợp với mục tiêu lập lại trật tự công trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp vốn đã ầm ĩ lâu nay?
Tại buổi tọa đàm “Điều kiện kinh doanh trong hai lĩnh vực Khoa học Công nghệ và Công thương: Nhận diện và kiến nghị” được VCCI tổ chức sáng ngày 31/5, ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, qua khảo sát của VCCI, trong 7 năm qua doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang có xu hướng “nhỏ’ dần về quy mô, năng suất, người lao động, doanh số, hiệu quả… Điều này đang đặt ra một dấu hỏi lớn về môi trường kinh doanh của Việt Nam.
“Chúng ta phải nhận diện được những vấn đề này để có những giải pháp, từ đó giúp chúng ta nhận diện đúng, đặt ra những điều kiện đúng và đúng các điều kiện kinh doanh thì không những giảm được chi phí cho các DN hoạt động trong lĩnh vực đó mà còn giúp họ phát triển”.
Tuy nhiên, ông Huỳnh cũng thừa nhận cân bằng giữa trật tự công với quyền tự do kinh doanh là một bài toán khó.
“Quyền tự do kinh doanh không phải là tuyệt đối nhưng nếu nghiêng về phía này mà trật tự công bị xâm hại hay chỉ vì lo lắng vì trật tự công bị xâm hại mà bóp nghẹt quyền tự do kinh doanh hoặc hạn chế quyền tự do kinh quanh quá mức cần thiết thì chúng ta cũng cần phải bàn kỹ”, ông Huỳnh nói.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Ban Pháp chế, VCCI, theo kết quả rà soát các điều kiện kinh doanh cụ thể trong hai bộ Công Thương và KH&CN thời gian qua cho thấy, một số điều kiện kinh doanh chưa còn chưa phù hợp với Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư.
Bà Hồng cho rằng, các điều kiện kinh doanh trong nhóm ngành nghề thuộc hai Bộ này đã can thiệp vào quyền tự quyết của DN và phương thức kiểm soát vượt quá mức cần thiết. Đó là trong dịch vụ kinh doanh đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH), các điều kiện về năm kinh nghiệm, số lượng giám định viên trong một tổ chức... đang là rào cản về nhân lực đối DN.
“Đối với hoạt động ĐGSPH thì nhân lực đã tốt nghiệp các chứng chỉ rồi thì đương nhiên được hiểu là đủ năng lực chứ không cần phải năm kinh nghiệm. Và đây là những cản trở nhưng người trẻ ra nhập thị trường và khó tham gia hoạt động này’, bà Hồng nói.
Đề cập đến lĩnh vực này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL với tư cách chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực KH&CN cho biết, trong lĩnh vực ĐGSPH toàn bộ căn cứ để đưa vào điều kiện kinh doanh đều dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế mà hiện nay chúng ta gia nhập WTO, APEC… hội nhập sâu rộng thì phải hướng theo các quy định của quốc tế.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Dũng – TGĐ Công ty Vinacert cũng cho hay, để đào tạo 1 đội ngũ chuyên gia để giúp cho DNVN xuất khẩu hàng nông sản ra thế giới, công ty phải đầu tư chi phí đào tạo lên tới 86 triệu/ 1 chuyên gia. Và để được chứng nhận chuyên gia đánh giá Globalgap còn phải trải qua quá trình thực tế mới đủ điều kiện chứng nhận chuyên gia, và một công ty chứng nhận phải đáp ứng đủ 4 chuyên gia có năng lực trong từng lĩnh vực chuyên môn như vậy mới đủ điều kiện chứng nhận Globalgap theo tiêu chuẩn quốc tế.
Về tình trạng hàng hóa của Việt Nam được chứng nhận chất lượng tại Việt Nam khi xuất khẩu mà vẫn bị trả về vì hàng hóa không đạt chất lượng gây thiệt hại rất lớn cho DN và hình ảnh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam, theo ông Linh đó chính là chất lượng của các tổ chức ĐGSPH, trong đó có tổ chức thử nghiệm, chứng nhận.
Ông Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân của tình trạng hàng hóa không đạt chất lượng có liên quan đến tình trạng bán chứng chỉ chất lượng cho các DN để thu lợi bất chính. Bên cạnh đó công tác quản lý trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều vấn đề dẫn đến không kiểm soát hết được. Cho nên với những điều kiện được quy định như hiện nay sẽ hạn chế tương đối tình trạng bán chứng chỉ chứng nhận chất lượng, hạn chế được tình trạng nông sản xuất khẩu bị trả lại.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đoàn Năng, Chủ tịch Hội đồng Công nhận Chất lượng cũng cho hay, đối với DN kinh doanh dịch vụ ĐGSPH, cần phải phân tích và đánh giá thận trọng hơn.
Ông Năng cho rằng, đây là những dịch vụ đòi hỏi rất cao về năng lực, trình độ và kinh nghiệm thực tiễn thì mới bảo đảm được yêu cầu về chất lượng và an toàn, góp phần đảm bảo sức cạnh tranh của chính doanh nghiệp trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa.
“Thực tiễn của nước ta thời gian qua cho thấy người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải hứng chịu những hậu quả cay đắng do một số tổ chức làm các dịch vụ ĐGSPH kém về năng lực, đội ngũ chuyên gia kém chất lượng lại còn tùy tiện trong hoạt động”, ông Năng nói.
Thanh Uyên