Thách thức cải thiện môi trường kinh doanh
29 Tháng 6, 2021
Sau khoảng 6 tháng thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 (NQ02), môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục có sự cải cách. Tuy vậy, mức độ cải cách ở mỗi cấp có sự khác nhau.
Nơi tích cực, nơi đối phó
Báo cáo thực hiện NQ02 trong 6 tháng đầu năm 2021 vừa được Bộ KH&ĐT hoàn thiện trình Chính phủ cho thấy, nhiều địa phương đã có sáng kiến góp phần thực hiện hiệu quả NQ02. Đơn cử như Quảng Ninh, địa phương đã thành công trong việc thiết kế, phát triển và thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (DDCI).
Với việc thực hiện DDCI đã góp phần nâng cao trách nhiệm công vụ, hiệu quả dịch vụ công và vị thế, hình ảnh của địa phương. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã được nhiều địa phương tham khảo, phát triển và thực thi nhằm cải thiện và tạo lập hình ảnh địa phương có môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, tận tâm phục vụ người dân và DN.
Bên cạnh đó, sáng kiến cơ chế đối thoại giữa chính quyền với DN và người dân ở Đồng Tháp cũng được nhân rộng và lan toả thực hiện ở nhiều địa phương…
Tuy nhiên, “bức tranh cải cách” không chỉ toàn màu hồng. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), môi trường kinh doanh còn nhiều trở ngại như việc luật, điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của DN… Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện CIEM Nguyễn Minh Thảo đánh giá, do tác động của dịch Covid-19, các nhóm giải pháp của Chính phủ tập trung nhiều vào chống dịch, hỗ trợ DN dưới hình thức giãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ an sinh xã hội… Vì vậy, nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ, ngành có xu hướng chững lại, triển khai chậm hơn.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của đa số bộ ngành chậm lại, chưa có nhiều thay đổi, chuyển biến so với trước; cơ chế một cửa quốc gia vận hành chưa thực sự hiệu quả.
Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân một cách thiết thực
Theo CIEM, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đã đặt ra nhằm thực hiện hiệu quả NQ02, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh để thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19.
Kiến nghị về những giải pháp tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam thời gian tới, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, tập trung thực hiện nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc trình Chính phủ phương án sửa đổi các quy định gây ra vướng mắc, khó khăn cho DN do sự thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
Thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ số, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN chuyển đổi số. Cùng với đó, tiếp tục cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; tiếp tục hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19...
Ngoài việc yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện NQ02 cũng như tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán các giải pháp đề ra thì phải giải quyết ngay những vướng mắc, khó khăn cho DN.
Liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, và cải cách hành chính, tại hội nghị trực tuyến mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ nhấn mạnh: "Hơn lúc nào hết, công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, chuyển đổi số quốc gia... cần thực hiện nhanh chóng, bảo đảm phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và sự phát triển của đất nước".
Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, đơn giản hoá các quy định, tinh gọn bộ máy nhà nước. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, đây chính là thời điểm cần hơn sự vào cuộc của các bộ, ngành trong việc tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, DN để họ an tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh và thực hiện chống dịch, nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” như Chính phủ đề ra.