Thái Bình: Động lực mới từ những cải cách
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cải cách hành chính là một trong nhiều giải pháp tạo bước đột phá giúp Thái Bình cải thiện chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), “hút” đầu tư đưa KT- XH phát triển bền vững.
Ông Diên cho biết, cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách Thái Bình đã ban hành Đề án cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, BCH Đảng bộ tỉnh khóa 19 cũng đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 05/5/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh Thái Bình đến năm 2020.
– Năm 2015 PCI của Thái Bình đứng thứ 38/63 nằm ở nhóm khá, đưa tổng điểm từ 57.37 lên 57.64 tạo sự khác biệt so với một số tỉnh có thứ hạng tăng nhưng tổng điểm không tăng thậm chí giảm. Kết quả này đã mang lại hiệu quả như thế nào trong việc phát triển KT – XH của tỉnh thưa ông?
Từ Đề án cải cách hành chính và Nghị quyết 01 nhận thức của cán bộ, công chức về phục vụ người dân và DN dần thay đổi, quá trình cải cách hành chính chuyển biến tích cực; năng lực cạnh tranh của tỉnh ngày càng cải thiện, KT-XH có bước phát triển mạnh. Năm 2016, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn ước đạt 45.150 tỷ đồng, tăng 10,12% so năm 2015, đạt cao nhất từ năm 2011. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 103.061 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.400 triệu USD, tăng 9,77%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.210 triệu USD tăng 5,2% so với năm 2015.
Đặc biệt, tỉnh đã thu hút 901 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 114 nghìn tỷ đồng, trong đó có 510 dự án đã SX-KD với tổng vốn đầu tư 26,4 nghìn tỷ đồng. Năm 2016 có 7 dự án FDI mới đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 25 triệu USD, nâng số dự án FDI toàn tỉnh lên 66 dự án với tổng vốn đầu tư trên 476 triệu USD. Đến nay, Thái Bình có 4.896 DN với vốn đăng kí trên 42,5 nghìn tỷ đồng, 575 Chi nhánh và văn phòng đại diện…
– Cộng đồng DN đánh giá cao việc Thái Bình tập trung khơi thông ách tắc… cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn 5/10 chỉ số PCI thấp điểm so năm 2014 như, Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động; Thiết chế pháp lý. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân?
Mặc dù tỉnh quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm cải cách TTHC, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển DN, tập trung chỉ đạo giải quyết tháo gỡ các khó khăn… Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh chưa thực sự hấp dẫn, thuận lợi cho các DN. Chỉ số PCI của tỉnh và các chỉ số thành phần có năm còn giảm điểm. Những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh chưa nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng của DN đối với sự phát triển kinh tế. Việc tháo gỡ khó khăn cho DN còn có những hạn chế, một bộ phận cán bộ, công chức tinh thần trách nhiệm trong công việc chưa cao, gây khó khăn, phiền hà cho DN… trong quá trình giải quyết TTHC.
Mức độ am hiểu pháp luật của DN trên địa bàn tỉnh còn hạn chế dẫn đến việc thực hiện các quy định hồ sơ do các cơ quan nhà nước hướng dẫn chưa thực sự chuyên nghiệp, trong khi đó cơ chế chính sách của Nhà nước liên tục thay đổi. Ngoài ra, Thái Bình có tới 98% là DNNVV, năng lực tài chính còn hạn chế nên không đầu tư theo quy hoạch vào Khu cụm công nghiệp của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt. Những DN này chỉ muốn đầu tư vào vị trí thuận tiện. Mặt khác, DN đầu tư vào vị trí đất lúa theo quy định phải báo cáo Chính phủ diều này rất khó cho tỉnh.
– Những giải pháp cải thiện những chỉ số còn thấp điểm, tiếp tục phát huy những chỉ số cao nhằm nâng hạng PCI trong năm 2016 mà tỉnh đã thực hiện, theo ông có thực sự hiệu quả?
Thái Bình đã tập trung tiến hành công tác cải cách hành chính tổng thể, toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Cụ thể, Thái Bình đã tập trung rà soát, cắt giảm tối đa, công khai minh bạch các TTHC, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm hành chính công từ tỉnh đến xã… đưa 100% các TTHC tại các sở, ngành, đơn vị thực hiện tại Trung tâm Hành chính công. Tỉnh đã rà soát đề xuất cắt giảm 135 thủ tục (chiếm 13,02% TTHC cấp tỉnh), rút ngắn trên 30% thời gian giải quyết và thực hiện đơn giản hóa thành phần hồ sơ của mỗi TTHC theo Chỉ thị số 04 của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, duy trì hoạt động hiệu quả đường dây nóng các cấp, kịp thời xử lý các thông tin, phản ánh của tổ chức và cá nhân; Hoàn thiện và hệ thống hóa, công khai quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch chi tiết các KCCN, tăng cường công tác GPMB… Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2016-2020), điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của 8/8 huyện, thành phố, chỉ đạo triển khai danh mục dự án sử dụng đất lúa… Đồng thời, nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực cơ sở hạ tầng…
Ban hành Quy chế quản lý thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng CCN, thành lập 06 CCN, xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân, phát triển DNNVV, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề ra các nhóm giải pháp về cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông… bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính. Loại bỏ những TTHC rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho DN… Tỉnh cũng đã xây dựng dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh; Đẩy mạnh nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh,..
– Ông có thể chia sẻ những lợi ích mang lại từ việc Thái Bình nỗ lực cải cách chất lượng điều hành cũng như TTHC, bởi thực tế ở nhiều địa phương DN cho rằng từ lời nói đến việc làm của chính quyền thường chưa song hành?
Ngày 5/10/2015, tỉnh đã ban hành Quyết định số 2324/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Hành chính công, là đầu mối thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, trả kết quả việc giải quyết TTHC của tổ chức và cá nhân. Theo đó niêm yết công khai mức thu phí, lệ phí và thời gian giải quyết, quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trách nhiệm của các bộ phận, tổ chức cá nhân liên quan. Năm 2016, tổng số hồ sơ tiếp nhận tại Trung tâm là 68.833 hồ sơ, số hồ sơ giải quyết trước hạn: 15.518 hồ sơ, đạt 23%. Số hồ sơ giải quyết đúng hạn: 45.491 hồ sơ, đạt 66%.
Số hồ sơ đang giải quyết và trả lại bổ sung: 7.101. Số hồ sơ giải quyết quá hạn: 723 hồ sơ, đạt 1%. Đến nay, chưa phát hiện công chức có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, chưa có khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và công dân đối với việc giải quyết TTHC của công chức tại Trung tâm. Mọi thông tin về tiến trình, thời gian giải quyết đều công khai, minh bạch… Việc phối hợp của các cơ quan tương đối chặt chẽ.
Các hồ sơ khi luân chuyển giữa các cơ quan được thực hiện thông qua Trung tâm nên việc kiểm soát tiến độ được thuận lợi, giúp cho việc giải quyết hồ sơ được kịp thời. Công tác kiểm tra giám sát được tiến hành thường xuyên nên hoạt động tiếp nhận và trả kết quả cơ bản được thông suốt, đúng quy định. Hệ thống phần mềm hành chính công vận hành thông suốt, đặc biệt đã tích hợp và công khai được tiến độ giải quyết hồ sơ của Bộ, ngành, địa phương trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
– Xin cảm ơn ông!
Khắc Lãng thực hiện