Thái Bình khởi động làn sóng mới về cải thiện môi trường kinh doanh
Thái Bình mới đây đã công bố “đường dây nóng” gồm hai số điện thoại 036.3.73.13.13 - 036.3.73.23.23 sẽ hoạt động 24/7 để tiếp nhận thông tin của đơn vị, cá nhân và chuyển đến Chủ tịch UBND tỉnh xử lý…; và tới đây là thông qua Đề án cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, cho thấy Thái Bình đang quyết tâm khởi động một làn sóng mới về cải thiện môi trường kinh doanh. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Vietnam Business Forum có buổi trao đổi với ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Ngô Khuyến thực hiện.
Với việc ban hành nhiều chủ trương, giải pháp và bằng những hoạt động cụ thể trong thời gian gần đây cho thấy Thái Bình đang khởi động làn sóng mới về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với việc hoàn thiện thể chế, chính sách; đẩy mạnh Chương trình tổng thể Quốc gia CCHC giai đoạn 2011-2020, Chính phủ cũng ban hành, triển khai 03 Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và mới đây là Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nhờ vậy,nhận thức của cán bộ, công chức về phục vụ người dân và doanh nghiệp dần thay đổi; quá trình cải cách TTHC chuyển biến tích cực; năng lực cạnh tranh quốc gia ngày càng cải thiện. Trong nhiệm kỳ mới 2016-2020, Chính phủ còn cam kết xây dựng một Chính phủ trong sạch, làm gương cho xã hội về vấn đề nói đi đôi với làm, tăng cường kỷ cương, chuyển mạnh từ phương thức quản lý hành chính sang phục vụ, hướng tới doanh nghiệp và người dân.
Trong bối cảnh chung đó, tỉnh Thái Bình cũng không ngừng thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động nhằm đẩy mạnh quá trình CCHC, nâng cao năng lực quản lý điều hành của các cấp chính quyền với mục tiêu xây dựng chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc thành lập Trung tâm hành chính công ở cấp tỉnh và cấp huyện, việc công bố đường dây nóng của UBND tỉnh và sắp tới là các sở, ngành, địa phương chính là hành động thiết thực cụ thể hoá quyết tâm nói trên. Trong quá trình hoạt động sẽ có những điều chỉnh phù hợp để phát huy hiệu quả.
Ông đánh giá sao về quá trình CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh và của tỉnh trong những năm gần đây?
Tỉnh Thái Bình luôn xác định CCHC là yếu tố then chốt để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển KT- XH nên đặt ra quyết tâm to lớn, thực hiện nhiều hướng đi, giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình CCHC. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch 30/KH-UBND ngày 4/5/2012 về Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 -2015, trong đó xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và giải pháp đồng thời tích cực triển khai qua 42 chuyên đề, đề án trên 6 lĩnh vực.
Qua 3 năm triển khai cho thấy: Hệ thống văn bản pháp luật trên các lĩnh vực được bổ sung hoàn thiện đúng quy định của Trung ương và bám sát thực tế địa phương. Các cấp, các ngành tích cực rà soát, đã rút ngắn được 40% thời gian giải quyết TTHC, nhất là trong hoạt động đầu tư. Chất lượng chất lượng cán bộ công chức được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. UBND tỉnh đã ban hành và triển khai tốt Quy định về thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư; Đề án một cửa liên thông hiện đại ở cấp huyện; đặc biệt đã thành lập Trung tâm hành chính cấp tỉnh và cấp huyện giải quyết trên 80% TTHC ở 2 cấp. Việc cải cách tài chính công cũng có nhiều chuyển biến với việc tất cả các đơn vị cấp tỉnh và huyện được giao quyền tự chủ đã thực hiện cơ chế tự chủ và xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Tỉnh cũng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu đổi mới công tác quản lý, điều hành. Cùng với đưa vào vận hành mạng văn phòng điện tử liên thông từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh cũng hoàn thành nâng cấp Cổng thông tin điện tử, cho phép thiết lập các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, góp phần hiện đại hoá nền hành chính.
Trong những năm qua, Thái Bình cũng chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, đã ban hành Chương trình hành động và thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và xây dựng về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Song hành với xây dựng cơ chế chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; cải thiện hạ tầng giao thông; xây dựng hạ tầng kỹ thuật một số KCN và tích cực xúc tiến, vận động đầu tư,… Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp. Nhờ vậy, chỉ số PCI của Thái Bình chuyển biến đáng kể về điểm số và thứ hạng.
Đề án CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo sẽ sớm được Đảng bộ tỉnh thông qua; những mục tiêu cụ thể nào được đặt ra trong Đề án, thưa ông?
Thái Bình đề ra mục tiêu tổng quát về CCHC và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như sau: Tập trung tiến hành công tác CCHC tổng thể, toàn diện trên tất cả lĩnh vực nhằm tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp với hoạt động của cơ quan nhà nước; cải thiện hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công trên cơ sở tăng điểm và nâng thứ hạng chỉ số PAPI; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranhtrên cơ sở tăng điểm và tăng thứ hạng chỉ số PCI nhằm tăng cường thu hút đầu tư, phát triển hệ thống doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.
Trên cơ sở đó, tỉnh cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể: Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đơn giản hóa, công khai,minh bạch đi đôi với cắt giảm tối đa thời gian xử lý các TTHC; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh,… Trong giai đoạn 2016-2020, mỗi năm chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI tăng 0,5-1 điểm, xếp hạng tăng 1-2 bậc, phấn đấu đến năm 2020 trong Top 3 tỉnh/TP dẫn đầu cả nước. Thái Bình cũng phấn đấu đến năm 2018 chỉ số PCInằm trong Top 20 tỉnh/TP dẫn đầu cả nước và đến năm 2020 nằm trong top 15 tỉnh/TP dẫn đầu cả nước và Top 3 khu vực Đồng bằng sông Hồng. Giai đoạn 2016-2020, mỗi năm chỉ số PCI tăng 0,8-2 điểm, xếp hạng tăng 4-8 bậc. Về môi trường đầu tư kinh doanh: phấn đấu một số chỉ tiêu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cơ bản đạt và vượt yêu cầu của Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ.
Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp nào?
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thái Bình tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Một là, tập trung cải cách TTHC, rà soát, cắt giảm tối đa đi đôi với công khai minh bạch các TTHC; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả;hiện đại hóa trang thiết bị, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã,... Nhiệm vụ đặt ra đến tháng 6/2016 đưa 100% các TTHC tại các sở, ngành, đơn vị thực hiện tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện. Các sở, ngành rà soát, rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết và cắt giảm ít nhất 10% số TTHC so với quy định.
Hai là, hoàn thiện và hệ thống hóa, công khai các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; quy hoạch xây dựng; quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ; tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai.
Ba là, hoàn thiện các cơ chế chính sách để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng; cải cách quy trình, hồ sơ trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,...; phát triển nguồn nhân lực; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo môi trường ổn định cho các doanh nghiệp.
Bốn là, nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực cơ sở hạ tầng, một số công trình trọng điểm phát triển KT-XH.
Tỉnh cũng đề ra các nhóm giải pháp, gồm: Nhóm giải pháp về CCHC trọng tâm vào cải cách TTHC, thực hiện giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông... Cải cách TTHC nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính; loại bỏ những rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhóm giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chú trọng xây dựng dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh; tạo thuận lợi về tiếp cận đất đai; đẩy mạnh nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh; giảm thời gian tối đa giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh có điều kiện; tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH; ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trọng yếu,..
Một số điểm nhấn về quá trình triển khai Đề án CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo?
Đẩy mạnh CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một trong 3 đột phá tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020. Đề án CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theochính là việc cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XIX, nhiệm kỳ 2015-2020.
Căn cứ vào nhiệm vụ giải pháp nêu trong Đề án UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP xây dựng và triển khai bằng các kế hoạch cụ thể, phân công người chịu trách nhiệm, định kỳ báo cáo UBND tỉnh và kết quả triển khai được đánh giá công tác thi đua của các cơ quan, đơn vị. Cụ thể Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Thuế duy trì thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ tối đa trong 03 ngày, phối hợp với Sở Tư pháp rà soát, đề xuất bãi bỏ các giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, hồ sơ, tài liệu không cần thiết theo quy định; giao Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện và công bố công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2016 - 2020 ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã; rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp tạo quỹ đất sạch tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp;... Các sở, ban, ngành, cơ quan, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập hợp, rà soát và đánh giá tình hình thực hiện dịch vụ công, có giải pháp đổi mới cung ứng các dịch vụ công theo hướng đa dạng hóa; nghiên cứu tham mưu, đề xuất những dịch vụ có thể mở cho tư nhân cung cấp với mức độ phù hợp và đảm bảo tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với cơ hội kinh doanh các loại dịch vụ này và quyền tự do lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ theo cơ chế thị trường.