Đó là chia sẻ của Ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Năm 2021, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Thái Bình giảm 1,71 điểm và giảm 22 bậc so với năm 2020, đứng thứ 47/63 tỉnh thành cả nước. Ngoài nguyên nhân khách quan, các chuyên gia cho rằng, do một số địa phương, đơn vị; cán bộ, công chức chưa thật sự quan tâm đến PCI. Vai trò của người đứng đầu các sở, ban, ngành và địa phương chưa thật sự quyết tâm trong việc triển khai các giải pháp, phân công, kiểm tra, đôn đốc, xử lý tiêu cực liên quan đến hoạt động doanh nghiệp…
- Thực tế này đồi hỏi tỉnh phải có những chính sách mới khắc phục hạn chế, hướng đến xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, thưa ông?
Đúng vậy! Ngoài việc thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và triển khai thực hiện giải quyết TTHC theo mô hình "5 tại chỗ". Thành lập Trung tâm Hỗ trợ, Xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh để xúc tiến, tư vấn hồ sơ đăng ký đầu tư, kinh doanh, tạo bước đột phá trong cải cách quy trình thực hiện TTHC và tháo gỡ các "điểm nghẽn", "nút thắt" trong thu hút đầu tư.
Đặc biệt, ngày 28/01/2022 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND, thực hiện Nghị quyết số 02/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Theo đó, tỉnh đổi mới, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan chuyên môn các cấp, cán bộ, công chức trong thực thi công vụ...
- Trong bối cảnh các tỉnh, thành phố đều nỗ lực nâng hạng PCI, xin ông cho biết Thái Bình sẽ đối mặt với những thách thức nào trong cuộc đua chung đó?
“Rào cản” lớn nhất hiện nay là nguồn đất đai, chỉ tiêu sử dụng đất của tỉnh hạn hẹp; chủ yếu là đất trồng lúa nên công tác GPMB, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn chậm, nguồn vốn đầu tư công kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội chưa đảm bảo yêu cầu thực tiễn. Mặt khác, mức độ am hiểu pháp luật của một số doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn chế dẫn đến việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ chưa chuyên nghiệp... Ở góc độ cán bộ, công chức tại tỉnh, nâng cao chỉ số PCI cũng là cuộc đua vượt lên chính mình để phục vụ nền hành chính công mạnh, điều quyết định cho sự phát triển của tỉnh.
Để hạn chế những thách thức trên, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các cơ chế chính sách của tỉnh. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công chức. Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tài chính…
- Nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần "gia tốc" hơn nữa trong cải cách, để thu hút nhà đầu tư lớn. Ông bình luận gì về ý kiến này?
Thái Bình luôn xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh tập trung, nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, CCHC, đặc biệt là tỉnh luôn mong muốn nhiều sự hiến kế về xây dựng chính sách, góp ý về chỉ đạo điều hành của chính quyền… trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Qua đó, tạo môi trường thông thoáng “hút” những nhà đầu tư lớn trong nước, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc... Tính riêng năm 2022, tỉnh dự kiến có 3 dự án với tổng vốn đầu tư 395 triệu USD sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
- Rất nhiều sáng kiến cải cách đã được đưa ra như: Câu lạc bộ cà phê doanh nghiệp, câu lạc bộ liên kết doanh nghiệp sản xuất... Thái Bình đã áp dụng những sáng kiến này ra sao để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, thưa ông?
Với mục tiêu tăng hiệu quả làm việc, nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như hạn chế tối đa doanh nghiệp và người dân phải đến trực tiếp các cơ quan chính quyền khi thực hiện các TTHC. Tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử tại tỉnh hướng tới Chính quyền số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng, tài nguyên môi trường và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân... Đồng thời, tỉnh tiếp tục duy trì và đổi mới Chương trình “Cà phê doanh nhân”, tổ chức đối thoại doanh nghiệp tại các huyện, thị, theo ngành lĩnh vực nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp…
- Xin cảm ơn ông!