Thái Bình: Soi từng chỉ số thành phần, thấy kết quả DDCI 2022... không oan
Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện phiếu khảo sát, “chấm điểm” đánh giá mức độ hài lòng với hoạt động điều hành kinh tế của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Đối với cấp sở, ngành được đánh giá bởi 9 chỉ số thành phần gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và tiên phong, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, vai trò người đứng đầu và ứng dụng công nghệ thông tin.
Đối với các huyện, thành phố được đánh giá bởi 10 chỉ số thành phần bao gồm 9 chỉ số thành phần như cấp sở, ngành và thêm 1 chỉ số khả năng tiếp cận đất đai.
Tiếp cận bảng đánh giá, chấm điểm chi tiết từng chỉ số nằm trong cả bộ chỉ số thành phần DDCI 2022 tỉnh Thái Bình cho thấy, nhóm có thứ hạng DDCI cao thì điểm chỉ số thành phần cũng ở nhóm cao, và ngược lại.
Bên cạnh đó, ngay cả đối với nhóm có thứ hạng cao thì tổng điểm bộ chỉ số và điểm ở 1 số chỉ số thành phần cũng chưa hẳn đã cao.
Dưới đây là phân tích, tổng hợp điểm số từng thành phần trong bộ chỉ số DDCI 2022 tỉnh Thái Bình của PV Lao Động:
Ở chỉ số về tính minh bạch và tiếp cận thông tin, huyện Tiền Hải xếp cuối với 6.11 điểm, TP Thái Bình dẫn đầu với 7.07 điểm; Công an tỉnh đứng đầu với 7.02 điểm, Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp xếp cuối với 6.42 điểm.
Tính năng động và tiên phong, huyện Đông Hưng xếp cuối với 6.59 điểm, TP Thái Bình đứng đầu với 7.31 điểm; Cục Thuế tỉnh dẫn đầu với 7.16 điểm, Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp xếp cuối với 6.69 điểm.
Về chi phí thời gian, huyện Tiền Hải xếp cuối với 5.97 điểm, TP Thái Bình đứng đầu với 6.71 điểm; Sở Kế hoạch và Đầu tư đứng đầu với 6.71 điểm, Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp xếp cuối với 6.18 điểm.
Về cạnh tranh bình đẳng, Cục Thuế tỉnh dẫn đầu với 5.93 điểm, Sở Giáo dục và Đào tạo xếp cuối với 4.61 điểm; huyện Đông Hưng đứng đầu với 5.45 điểm; huyện Quỳnh Phụ xếp cuối với 5.12 điểm.
Về chi phí không chính thức, Cục Thuế tỉnh dẫn đầu với 6.30 điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường xếp cuối với 5.61 điểm; huyện Quỳnh Phụ đứng đầu với 6.36 điểm, huyện Vũ Thư đứng cuối với 5.70 điểm.
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông đứng đầu với 7.46 điểm, Cục Thi hành án dân sự tỉnh xếp cuối với 6.80 điểm; huyện Tiền Hải đứng cuối với 6.42 điểm, huyện Vũ Thư đứng đầu với 6.76 điểm.Về Thiết chế pháp lý, Cục Thuế tỉnh dẫn đầu với 6.22 điểm, Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp xếp cuối với 5.84 điểm; TP Thái Bình đứng đầu với 6.27 điểm, huyện Quỳnh Phụ xếp cuối với 5.72 điểm.Về vai trò người đứng đầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dẫn đầu với 7.57 điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường xếp cuối với 7.06 điểm; huyện Hưng Hà dẫn đầu với 7.30 điểm, huyện Tiền Hải xếp cuối với 6.95 điểm.Về ứng dụng công nghệ thông tin, Sở Nội vụ đứng đầu với 7.25 điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường xếp cuối với 6.85 điểm; TP Thái Bình dẫn đầu với 7.35 điểm, huyện Kiến Xương xếp cuối với 6.32 điểm.Về khả năng tiếp cận đất đai và chính sách hỗ trợ, huyện Đông Hưng dẫn đầu với 6.33 điểm, huyện Thái Thụy xếp cuối với 5.89 điểm.
Từ tổng hợp nói trên cho thấy, ở nhóm cuối bảng xếp hạng huyện, thành phố, huyện Tiền Hải có đến 4/10 chỉ số thành phần đứng bét bảng, trong đó có các chỉ số quan trọng như vai trò người đứng đầu, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp...
Đối với bảng xếp hạng chỉ số thành phần nhóm sở, ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình, Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh cũng thay nhau liên tục đứng áp chót, đứng chót bảng.
Vậy nên, việc huyện Tiền Hải và Sở Tài nguyên Môi trường Thái Bình đứng "đội sổ" bảng xếp hạng bộ chỉ số DDCI 2022 tỉnh Thái Bình là khách quan và... không oan.
Theo Báo Lao động