The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thái Nguyên: Cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI: Giải pháp góp phần tăng trưởng bền vững

Với mục tiêu bứt phá mạnh mẽ về điểm số và thứ hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó đã tạo ra môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
Cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng của tỉnh, nhằm góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững. Năm 2020, chỉ số PCI của Thái Nguyên đạt 66,56 điểm, đứng vị trí 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước, tăng 01 bậc so với năm 2019; dẫn đầu trong nhóm các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo phân tích của các chuyên gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan liên quan, tỉnh Thái Nguyên có 6/10 chỉ số thành phần tăng điểm, trong đó có 01 chỉ số đạt trên 8 điểm; 4 chỉ số đạt trên 7 điểm. Chỉ số có điểm cao nhất là Gia nhập thị trường đạt 8,35 điểm. Có 04 chỉ số giảm điểm so với năm 2019 là: Tính minh bạch giảm 0,84 điểm; Cạnh tranh bình đẳng giảm 0,3 điểm; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm 0,42 điểm và Đào tạo lao động giảm 0,46 điểm.
Theo phân tích, mặc dù Thái Nguyên tăng thứ hạng 01 bậc trong bảng xếp hạng PCI cả nước, nhưng giảm 1,15 điểm so với năm 2019. Tuy nhiên đây là mức giảm chung do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đáng chú ý là trong các chỉ số thành phần thì điểm về Chi phí thời gian tăng khá mạnh, đạt 7,70 điểm và tăng 06 bậc. Xu hướng của chỉ số thành phần này những năm gần đây đều tăng điểm cho thấy những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Cải thiện chỉ số Chi phí thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính của Nhà nước chính là sự nỗ lực lớn trong hoạt động đối thoại doanh nghiệp đã được triển khai tới cấp huyện, ngành. Các mô hình cấp tỉnh như: Trung tâm Dịch vụ hành chính công, Trung tâm Tư vấn trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư... đang thực sự là công cụ hữu ích và triển khai rất thành công. Hiện nay, việc cải thiện PCI đang được tiếp tục lan tỏa với mô hình "Cà phê doanh nhân", "Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và huyện, thị". Công tác CCHC, thực hiện cơ chế một cửa, tăng cường trợ giúp doanh nghiệp, giảm thời gian cấp chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trong quá trình triển khai, nhà đầu tư gặp phải khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đều được tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan khẩn trương phối hợp giải quyết. Các dự án sau khi đi vào hoạt động đã mang lại những kết quả tích cực, tạo niềm tin và hiệu ứng tốt đối với các cá nhân, doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Thái Nguyên còn nhiều dư địa cho cải cách và tăng trưởng, nhưng điều quan trọng, cần chọn đâu là khâu đột phá? Và dưới góc nhìn của các doanh nhân khẳng định đất đai, mặt bằng kinh doanh là yếu tố đầu vào rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực phức tạp và khó khăn đối với hầu hết công tác cải cách. Vì vậy, cần phải có sự sáng tạo, đổi mới trong những lĩnh vực cải cách phức tạp này. Ngoài ra, trước, trong và sau khi xúc tiến đầu tư, chính quyền cấp tỉnh cần theo sát bước đi của các nhà đầu tư, tận tâm giải quyết những khó khăn vướng mắc và những dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; nếu được cung cấp rộng rãi và có chất lượng tốt có thể giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Một trong những yếu tố quan trọng khác đó chính là công tác chuyển đổi số để CCHC và cải thiện chỉ số PCI, hiện 100% thủ tục hành chính công đủ điều kiện của Thái Nguyên đã được cung cấp ở mức độ 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; việc đẩy mạnh triển khai hiệu quả Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh (IOC), thực hiện công tác chuyển đổi số ở tất cả các địa phương, các sở, ngành, các đơn vị của tỉnh, triển khai mọi nhiệm vụ trên các nền tảng công nghệ sẽ là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để giúp phát triển kinh tế xã hội, giúp tỉnh Thái Nguyên cất cánh, thay đổi thứ hạng. Thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, việc cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, tăng sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới, UBND tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, bám sát mục tiêu từng chỉ tiêu của 10 chỉ số thành phần PCI để chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp; phân công rõ trách nhiệm của người đứng đầu và giữa các đơn vị trực thuộc để có cơ sở kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành, thị tổ chức quán triệt, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt các mục tiêu và nhiệm vụ; thường xuyên giám sát tiến độ để có giải pháp xử lý kịp thời, linh hoạt và kiến nghị tỉnh các giải pháp điều hành hiệu quả./.