Thái Nguyên: Đánh giá Chỉ số PCI và công bố Chỉ số DDCI năm 2021
07 Tháng 7, 2022
Chiều ngày 7/7, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) năm 2021.
Dự Hội nghị có bà Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Ông Trịnh Việt Hùng - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Đậu Anh Tuấn - Giám đốc Dự án PCI Quốc gia; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo PCI tỉnh; đại diện hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 120 doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư, tổ chức kinh tế đang đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo các cấp, ngành, sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, doanh nhân, sự phát huy mạnh mẽ vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên năm 2021 xếp thứ hạng 28/63 tỉnh, thành và đứng thứ 3/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
So với năm 2020 (xếp thứ 11/63 với điểm tổng hợp đạt 66,56 điểm), năm 2021 đánh giá PCI của tỉnh Thái Nguyên giảm 17 bậc trên bảng xếp hạng toàn quốc và cũng là năm giảm sâu nhất về thứ hạng sau 5 năm trở lại đây (năm 2016 xếp thứ 15, năm 2017 xếp thứ 18, năm 2019 xếp thứ 12, năm 2020 xếp thứ 11).
03 chỉ số tiếp tục ghi nhận đà tăng và được đánh giá tốt trong năm 2021 đó là: Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Cạnh tranh bình đẳng; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Mặc dù Chỉ số PCI của tỉnh giảm thứ hạng so với năm 2020 nhưng vẫn nằm trong Top khá trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Năm 2021 là một năm đặc biệt, khi cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, người dân và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp phải căng sức để đối phó với đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, báo cáo PCI năm 2021 đã phân tích về những tác động của đại dịch Covid-19 tới doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, các hội, hiệp hội doanh nghiệp vẫn nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết một lòng cùng hệ thống chính trị, các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên vượt qua khó khăn, thách thức.
Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương các đơn vị đạt kết quả xếp hạng DDCI cao tỉnh Thái Nguyên năm 2021. Đồng thời, mong muốn thời gian tới các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách; luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, gia tăng lợi nhuận và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cấp chính quyền…
Đối với chỉ số DDCI năm 2021, đây là năm đầu tiên tỉnh Thái Nguyên triển khai khảo sát sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với các sở, ngành, địa phương.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, có hơn 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã được tiến hành khảo sát, nhằm đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh thuộc 2 nhóm: Các sở, ngành (11 đơn vị); các địa phương (9 huyện, thành phố). Kết quả cho thấy, với thang điểm tối đa là 100 điểm, trung bình của các sở, ban, ngành là 85,97 điểm; các huyện, thành phố là 84,21 điểm…
Tại Hội nghị, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng đã phân tích, làm rõ thêm những kết quả đạt được và đưa ra một số kiến nghị, đặc biệt mong muốn người đứng đầu các sở, ban, ngành,địa phương sẽ xây dựng chương trình hành động và cam kết với cộng đồng doanh nghiệp về cải thiện từng tiêu chí đánh giá PCI; định kỳ hàng tháng đối thoại lắng nghe, tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng cam kết sẽ tiếp tục tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn nữa về PCI, để doanh nghiệp có nhận thức đúng, khách quan khi đánh giá và thường xuyên nâng cao vai trò phản biện chính sách.
Bày tỏ sự ấn tượng về những kết quả đạt được của Thái Nguyên trong những năm gần đây, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2022, ông Phạm Tấn Công Chủ tịch VCCI đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đồng thời nhấn mạnh, Thái Nguyên cần coi PCI là công cụ hiệu quả để đánh giá môi trường kinh doanh, từ đó có giải pháp cải thiện điều chỉnh cho phù hợp.
Chủ tịch VCCI đánh giá cao cách làm của Thái Nguyên trong việc triển khai đánh giá DDCI, đây là cơ hội để lan tỏa và thúc đẩy tinh thần cải cách hành chính, nâng cao vai trò và tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp.
Tin tưởng với sự mẫn cán, trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh và chương trình hành động của các sở, ngành, địa phương, Thái Nguyên sẽ thành công, trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của cả nước.
Theo Giáo dục và Thời đại