The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

THÁI NGUYÊN: ĐIỂN HÌNH TRONG THU HÚT ĐẦU TƯ

Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi Bắc bộ, nằm trong Vùng Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội. Nơi không chỉ nổi tiếng là mảnh đất Tinh hoa Trà Việt mà còn được biết đến như thành công điển hình trong cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư vào công nghiệp. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 đứng ở vị trí thứ 57/63 tỉnh, thành và đến năm 2015 và năm 2016 đã đứng ở vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước; đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, với tổng số vốn đăng ký gần 7,3 tỷ USD;

Bứt phá về tăng trưởng kinh tế

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Năm 2017, tỉnh Thái Nguyên thu ngân sách đạt 12,6 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2016. Là tỉnh đứng thứ 18 cả nước về thu nội địa, đứng thứ 16 về số thu ngân sách. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao 12,6% so với năm 2016; GRDP bình quân đầu người đạt 65 triệu đ/người/năm. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch mạnh sang công nghiệp - dịch vụ, tỷ trọng chiếm 77,4%; Nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 12,6% GRDP của tỉnh.

Để thúc đẩy nền kinh tế của địa phương, Thái Nguyên luôn xác định chính quyền phải đồng hành, sát cánh cùng DN. Trong năm 2017, ngoài thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN về đất đai, thuế, tín dụng..., tỉnh còn có các cơ chế đặc thù hỗ trợ DN về giải quyết thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, đào tạo nghề cho lao động, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, hỗ trợ thông tin, phát triển thị trường. Hơn nữa, Thái Nguyên còn có các chính sách hỗ trợ theo từng lĩnh vực như: hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư kết cấu hạ tầng chợ nông thôn.

Là “người bạn đồng hành” sẻ chia cùng DN thông qua hàng loạt giải pháp phát triển DN, đặc biệt là DN tư nhân, năm 2018, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển trong đó coi trọng cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký thành lập DN, phấn đấu năm 2018 có từ 20 - 30% DN làm thủ tục thành lập mới; đồng thời tạo môi trường để các DN cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. Mặt khác, sẽ xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, phát huy các ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh. Hơn nữa, tỉnh cũng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, nông nghiệp.

Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 đứng ở vị trí thứ 57/63 tỉnh, thành và đến năm 2015 và năm 2016 đã đứng ở vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước; đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, với tổng số vốn đăng ký gần 7,3 tỷ USD; có nhiều dự án lớn, có sức lan tỏa đã được khởi công thực hiện, bước đầu có kết quả khá khả thi như: Dự án Samsung - điện tử Thái Nguyên, tổng quy mô vốn đầu tư 6,38 tỷ USD, tạo việc làm cho gần 70 nghìn lao động trong và ngoài tỉnh, trong đó lao động là người Thái Nguyên chiếm 30%; hằng năm đóng góp vào giá trị xuất khẩu trên 20 tỷ USD. Dự án khai thác, chế biến mỏ đa kim Núi Pháo: Thực hiện trên diện tích 720ha, tổng vốn đầu tư thực tế là trên 13.000 tỷ, với các sản phẩm chính là vonfram, có trữ lượng trên 66 triệu tấn được chế biến để sản xuất các sản phẩm vonfram. Dự án đã sử dụng gần 2.000 lao động; doanh thu trong nước và xuất khẩu hàng năm đạt trên 200 triệu USD, nộp ngân sách Trung ương và địa phương đạt gần 900 tỷ đồng; Cty CP Gang thép Thái Nguyên tạo việc làm ổn định trên 5.000 người, thu nhập bình quân 6,5 triệu đ/tháng; doanh thu 900 tỷ đ/năm. Dự án giai đoạn 2 đã và đang thực hiện cổ phần hóa. Hiện nay, đang tích cực thực hiện để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Các Dự án tại Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc, Dự án đầu tư Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, TP Thái Nguyên, Dự án Quảng trường Võ Nguyên Giáp; Dự án Nâng cấp, sửa chữa Trung tâm dịch vụ thi đấu thể thao tỉnh Thái Nguyên; Dự án nghĩa trang An Lạc Viên; Dự án Khu nhà ở kết hợp dịch vụ, thương mại tại TP Thái Nguyên; Dự án xây dựng Trung tâm hành chính mới huyện Đồng Hỷ… đã và đang tích cực triển khai.

Phát huy thế mạnh

Cùng với sự phát triển của kinh tế công nghiệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung cao cho phát triển du lịch dịch vụ nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên theo hướng bền vững. Thái Nguyên đã làm tốt công tác quy hoạch để có cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư khai thác tài nguyên du lịch phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn khách du lịch đến với Thái Nguyên, đó là: Quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Núi Cốc gắn với giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trà Tân Cương Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số: 2888/QĐ-TTCP ngày 18/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tại Quyết định số 2014/QĐ-TTg ngày 24/10/2015.

Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng.

UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hoàn thiện hệ thống hạ tầng các khu, điểm du lịch theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Tuyến đường giao thông 9,5km nối trung tâm TP Thái Nguyên với khu du lịch Hồ Núi Cốc đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; thu hút nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án đầu tư khu du lịch văn hóa, tâm linh đền Gàn thuộc xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ bao gồm các hạng mục công trình: Khu đền thờ Tam Tòa thánh mẫu; Đền thờ Tam Thánh; khu chùa tháp; Lập báo cáo tiền khả thi hạ tầng văn hóa, thủy lợi giao thông, (đường ven hồ) báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư để tỉnh triển khai thực hiện. Đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối trung tâm TP Thái Nguyên đến khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định hóa; hệ thống đường hạ tầng du lịch kết nối các di tích trong quần thể các di tích thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt để khai thác giá trị di tích lịch sử cách mạng, gắn với phát triển du lịch tại vùng ATK Định Hóa…

Bên cạnh đó, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng đang phục hồi, phát triển. Nhắc đến Thái Nguyên không thể không nói đến chè. Là cây trồng thế mạnh của địa phương, nên tỉnh luôn chú trọng đầu tư phát triển. Nhờ vậy, diện tích chè trồng mới và trồng lại toàn tỉnh cả năm 2017 ước đạt 1.055ha, bằng 105,5% kế hoạch. Tổng diện tích chè toàn tỉnh hiện có 21.573ha. Dự tính năng suất chè bình quân chung đạt 114 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha nên sản lượng chè búp tươi ước đạt 218 nghìn tấn, tăng 3,4% so với sản lượng năm 2016 và bằng 102,8% kế hoạch cả năm.

Ngoài ra, các chỉ tiêu về xã hội, y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo… cũng đều rất tích cực, đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tỉnh luôn chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, hiện nay toàn tỉnh có 68/140 xã đã đạt chuẩn NTM. Những kết quả ấn tượng này đã tạo nên nội lực mạnh mẽ cho tỉnh Thái Nguyên thực hiện những kế hoạch mới trong tương lai. Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực; thu hút được nhiều nguồn lực xã hội hóa cho công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm ở nông thôn, vùng triển khai các dự án đầu tư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Hỗ trợ kinh phí sửa chữa hoặc xây mới nhà ở cho 100% các gia đình có đảng viên 50 năm tuổi Đảng trở lên là thành viên của hộ nghèo, khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh; Cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa xóm trắng về điện tại 35/76 xóm tại huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ; xây dựng các công trình cấp bách để xóa 33/33 phòng học tạm trên địa bàn tỉnh. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,21% hộ nghèo (tính đa chiều) giảm 2% so với năm 2016. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường với chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên với 100% cấp xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; công tác đền ơn đáp nghĩa được quan tâm thực hiện tốt; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Năm 2017, Thái Nguyên có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,75%, vượt 0,75% so với kế hoạch, thu ngân sách trong cân đối đạt trên 12.600 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2016, đứng thứ 18 cả nước về thu nội địa, đứng thứ 16 về số thu ngân sách, vào top các tỉnh có số thu trên chục nghìn tỷ đồng.

Vũ Hồng Bắc Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên

Báo Xây Dựng