Thái Nguyên: Nâng chỉ số PCI
Sau 10 năm nỗ lực mạnh mẽ thực hiện nâng cao chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), năm 2014 Thái Nguyên đứng ở vị trí thứ 8/63 tỉnh thành và lần đầu tiên lọt vào top 10 tỉnh thành trong nhóm điều hành tốt của cả nước. Hệ quy chiếu cho thực tế PCI của tỉnh Thái Nguyên là bức tranh thu hút đầu tư không ngừng được cải thiện với làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong mấy năm trở lại đây. Bứt phá ngoạn mục Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức. PCI chính là tiếng nói đại diện cho nhu cầu, hy vọng và mong mỏi của các nhà đầu tư, có tác dụng đưa tiếng nói của mình đến các nhà hoạch định chính sách ở địa phương; là thước đo sự hài lòng hay không hài lòng của cộng đồng DN đối với chính quyền các tỉnh, thành. Đồng thời cũng là kênh đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương. Tham gia thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Thái Nguyên đã vươn lên từ nhóm điều hành tương đối thấp, rồi nhóm trung bình, nhóm khá và cuối cùng là nhóm tốt. Mốc đánh dấu thành tích thấp nhất của tỉnh Thái Nguyên là năm 2011 (đứng vị trí 57/63 tỉnh thành). 2 năm sau, năm 2013, Thái Nguyên đứng vị trí thứ 25. Và đến 2014, Thái Nguyên vươn lên vị trí thứ 8, vượt 49 bậc so với năm 2011. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI chia sẻ, qua theo dõi hàng năm, chúng tôi thấy có sự thay đổi rõ rệt trong chỉ đạo điều hành về PCI của Thái Nguyên. Sự thay đổi đó đã mang lại kết quả đáng nể trong năm 2014. Về phía cộng đồng DN, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên cho biết, kết quả trên phản ánh rất đúng những nỗ lực, cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của tỉnh, giúp các DN trên địa bàn hoạt động ngày càng tốt hơn. Chính từ môi trường đó mà các nhà đầu tư nước ngoài với lượng vốn khổng lồ đã đến Thái Nguyên và đánh giá rất cao vai trò điều hành của tỉnh. Đó là cảm nhận rất khách quan và hoàn toàn hợp lý của DN. Trong 10 chỉ số thành phần cấu thành PCI, năm 2014 đánh dấu sự tăng điểm mạnh mẽ của chỉ số thiết chế pháp lý ở Thái Nguyên với số điểm 6,96, trong khi có năm chỉ số này chỉ đạt chưa đầy 3 điểm. Ông Yoo Young Bok, TGĐ Samsung Việt Nam cho biết: "Samsung đi vào hoạt động vượt tiến độ đề ra là nhờ sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam, chính quyền và người dân tỉnh Thái Nguyên. Môi trường đầu tư của các bạn rất thân thiện, minh bạch. Do vậy, không có lý gì chúng tôi không xây dựng Thái Nguyên thành cứ điểm SX hoàn chỉnh lớn nhất của Samsung trên toàn cầu". Đại diện cơ quan đánh giá PCI, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Thái Nguyên là một trong số ít tỉnh có sự nỗ lực mạnh mẽ trong cải cách và điều hành của chính quyền. Ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao sự cố gắng của một số tỉnh thành và xem đó là là những địa phương mới nổi đáng quan tâm, trong đó đáng chú ý có tỉnh Thái Nguyên. Thực tế thì trong những năm qua, các DN nước ngoài có cảm nhận rất tốt về môi trường đầu tư ở Thái Nguyên. Quyết tâm duy trì và tiếp tục cải thiện thứ hạng PCI trong năm 2015, ông Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo PCI tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên sẽ quyết tâm hơn nữa trong công tác cải cách hành chính và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Tiếp tục nâng cao trình độ, đạo đức, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, nhất là tại bộ phận trực tiếp tiếp xúc với DN, công dân. Đồng thời, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn của DN. Để duy trì và phát triển PCI thì cả hệ thống chính trị sẽ cùng vào cuộc. DN phải đồng hành với tỉnh và tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất có thể để tháo gỡ khó khăn cho DN. Làn sóng đầu tư mới Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tính riêng trong năm 2014, Thái Nguyên đã thu hút được 22 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đăng ký cấp mới là 3,2 tỷ USD. Ngoài ra, có 9 dự án tăng vốn đã đưa tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt 3,35 tỷ USD; đứng đầu cả nước về thu hút FDI trong năm 2014. Như vậy, sau làn sóng đầu tư vào các lĩnh vực SX thép xây dựng, dụng cụ cơ khí cầm tay xuất khẩu, hàng may mặc xuất khẩu, SX linh kiện điện tử; SX thiết bị di động, điện tử viễn thông... là làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí quy mô lớn. Như vậy, tính lũy kế đến nay, Thái Nguyên đã thu hút được 75 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 6,9 tỷ USD; đứng thứ 10 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Sau khi Tổ hợp công nghệ cao Samsung tiếp tục đầu tư thêm dự án giai đoạn 2 tại Khu công nghiệp Yên Bình (huyện Phổ Yên), ngoài các dự án FDI phụ trợ, từ đầu năm đến nay, đã có thêm nhiều nhà đầu tư mới, đặc biệt là các DN, nhà đầu tư lớn trong nước triển khai các dự án đầu tư mới tại Thái Nguyên với tổng mức đầu tư của mỗi dự án lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ông Đặng Xuân Trường, GĐ Sở KH-ĐT Thái Nguyên cho biết, trong số các nhà đầu tư đang xúc tiến triển khai đầu tư vào Thái Nguyên có thể kể đến các nhà đầu tư lớn của Việt Nam và nước ngoài như Tập đoàn Vingroup, Cty Thương mại Nguyễn Kim (DN sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Sài Gòn - Nguyễn Kim), Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh, hệ thống siêu thị Big C... Đặc biệt, tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Cty CP Đông Tam Đảo quy hoạch chi tiết dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao và giải trí Đông Tam Đảo tại huyện Phổ Yên với tổng diện tích hơn 5.800 ha. Thái Nguyên cũng đã tiếp nhận một số dự án đầu tư của nhà đầu tư Hàn Quốc và một số DN trong nước vào lĩnh vực nhà ở xã hội tại khu vực huyện Phổ Yên và TP Thái Nguyên với tổng diện tích trên 40 ha.
Việt Bắc
Theo Báo nông nghiệp Việt Nam ngày 04/05/2015