The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Thái Nguyên- PCI: Một mục tiêu, đa lợi ích

Đến nay, PCI vẫn là chỉ số khách quan, chính thống và uy tín bậc nhất để đánh giá, xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp. Nói cách khác, thứ hạng PCI là hình ảnh, uy tín, thương hiệu và là môi trường đầu tư của mỗi tỉnh, thành phố trên phương diện quốc gia. Do vậy, việc nâng cao các chỉ số để cải thiện thứ hạng PCI là mục tiêu đa lợi ích mà các tỉnh, thành phố đang nỗ lực theo đuổi và vươn lên.

Chỉ số PCI được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đồng chủ trì khảo sát, đánh giá xếp hạng. Để có được kết quả công bố hàng năm, đơn vị tổ chức đánh giá thực hiện theo quy trình 3 bước gồm: Thu thập dữ liệu điều tra doanh nghiệp bằng phiếu hỏi và dữ liệu từ các nguồn đã công bố; tính toán 10 chỉ số thành phần và chuẩn hóa kết quả theo thang điểm 10; tính trọng số cho chỉ số PCI trung bình của 10 chỉ số thành phần trên thang điểm 100. Theo phương án khảo sát mới nhất năm 2021, cơ quan khảo sát, đánh giá chỉ số PCI dựa trên 10 chỉ số thành phần với 144 chỉ tiêu đánh giá. Một địa phương được xếp hạng có chất lượng điều hành tốt khi có 144 chỉ tiêu đánh giá là tốt, đóng góp điểm cho 10 chỉ số thành phần.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, sau 16 năm đánh giá PCI (từ 2006 - 2021) có 16/16 năm được xếp hạng thuộc các tỉnh, thành phố loại khá, riêng các năm 2012, 2014, 2015, 2016 và 2019, tỉnh Thái Nguyên được xếp thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt kết qủa loại tốt. Theo các chuyên gia, những địa phương được đánh giá thuộc nhóm khá, tốt và rất tốt sẽ có chất lượng điều hành kinh tế tốt và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp. Theo đó, tốc độ phát triển kinh tế của các địa phương cũng thuộc Top cao của cả nước. Ví dụ như Thái Nguyên các năm thuộc nhóm tốt, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt cao. Cụ thể năm 2014 đạt 18,6%; năm 2015 đạt 25,2%; năm 2016 đạt 6,21% và năm 2019 đạt 9%.

Như chúng ta đã biết, chỉ số tăng trưởng kinh tế hằng năm là chỉ số tổng hợp, con số tăng trưởng là con số có nhiều ý nghĩa, là con số “biết nói”. Mục tiêu tăng trưởng là mục tiêu theo đuổi chủ yếu của mỗi địa phương. PCI đã tác động đến chỉ tiêu tăng trưởng bởi các lý do như sau: Chỉ số PCI khuyến khích chính quyền các tỉnh, thành cải thiện chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành bằng cách chuẩn hóa và cải thiện các chỉ số. Loại trừ ảnh hưởng của các yếu tố như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, quy mô thị trường, nguồn nhân lực…thì PCI khuyến khích các địa phương tập trung vào việc xác định phương hướng điều hành kinh tế; PCI phản ánh môi trường đầu tư và kinh doanh của từng địa phương một cách khách quan và trung thực; phản ánh được tất cả ưu điểm và nhược điểm trong việc điều hành kinh tế của chính quyền các địa phương cấp tỉnh; PCI thể hiện đầy đủ các đặc điểm nhỏ nhất trong kinh tế của một địa phương từ môi trường đầu tư cho tới chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư cho địa phương của các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà còn cả nước ngoài. Sự xếp hạng chỉ số PCI là động lực để các tỉnh, thành phố ở thứ hạng thấp hơn nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện các biện pháp thu hút đầu tư để có thể phát triển địa phương nhiều hơn trong tương lai.

Nói theo cách khác, PCI đã trở thành tiếng nói đại diện cho nhu cầu, hy vọng và mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, truyền tải trực tiếp và mạnh mẽ tiếng nói tới các nhà hoạch định chính sách ở cả cấp Trung ương và địa phương.Vì thế, PCI được xem là “tiếng nói” quan trọng của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư, là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh. PCI cũng là kênh đánh giá năng lực điều hành của các cấp chính quyền địa phương.

Đứng về góc độ doanh nghiệp, PCI thể hiện ý trí, quyền năng của doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng. Chỉ số PCI tại địa phương xếp loại tốt sẽ giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư chính xác, hiệu quả hơn. Theo đó, các địa phương có thể thu hút được nhiều dự án đầu tư hơn, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm tại địa phương. Khi địa phương thu hút đầu tư tốt, sẽ góp phần tạo ra môi trường, thị trường cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy PCI không chỉ có ý nghĩa đối với xếp hạng cấp chính quyền địa phương mà còn là quyền và lợi ích trước mắt và lâu dài của mỗi doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp muốn phát triển thì việc tham gia khảo sát, đánh giá các chỉ số phải bảo đảm trung thực, khách quan, quá trình tham gia đánh giá phải có trách nhiệm trên tinh thần thẳng thắn, đặt lợi ích riêng của doanh nghiệp trong lợi ích chung của địa phương bảo đảm hài hòa, trách nhiệm.

Như vậy có thể nói, nâng hạng PCI là một mục tiêu nhưng đa lợi ích. Cả doanh nghiệp và các cấp chính quyền phải cùng nhìn một hướng, thống nhất từ tư tưởng đến hành động nhằm hướng đến mục tiêu chung PCI thăng hạng trên cơ sở công tâm, khách quan vì lợi ích chung, vì sự phát triển bền vững.

Theo Cổng TT Thái Nguyên