Thái Nguyên: Thay đổi cách làm, thu lợi dài hạn
Câu trả lời cho câu hỏi này được thảo luận sâu tại Hội nghị một số vấn đề cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN vùng Trung du miền núi Bắc Bộ trong bối cảnh mới, do UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 19/8 tại Thái nguyên.
Là 1 trong 6 tỉnh vùng an toàn khu, Thái Nguyên đã có những bước tiến vượt bậc trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Trong 4 năm từ 2011 đến 2014, chỉ số PCI Thái nguyên tăng 49 bậc, từ vị trí thứ 57 lên vị trí thứ 8. Đây chính là kết quả của những nỗ lực rất lớn đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Theo ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND Tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND Tỉnh đã chủ động tăng cường đối thoại với DN và người dân. Đồng thời, thường xuyên lắng nghe thông tin từ các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, các đơn thư phản ánh về những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ, để từ đó có những giải pháp xử lý kịp thời, nhằm hỗ trợ tối đa cho DN và nhà đầu tư. Các giải pháp được hiện thực hóa dựa trên phương châm "ba thân thiện": thân thiện với các DN; thân thiện với nông dân và thân thiện với môi trường đã giúp Thái Nguyên có những cải tiến vượt bậc trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 7 tháng đầu năm nay, Thái Nguyên lọt vào Top 15 tỉnh, thành thu hút FDI lớn nhất cả nước với 10 dự án đăng ký mới, số vốn 122 triệu USD. Nếu tính cả 6 dự án tăng vốn thì vốn FDI đạt 132 triệu USD. Trong khi đó, FDI vào các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt các tỉnh vùng an toàn khu phía Bắc không có. Ngay từ 2 năm trước, số liệu thu hút FDI của Thái Nguyên đã rất tích cực. Năm 2013, cùng với việc cấp phép một loạt dự án, trong đó có dự án của Tập đoàn Samsung, Thái Nguyên đã thu hút 3,352 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ hai cả nước về thu hút FDI trong năm.
Năm 2014, Thái Nguyên tiếp tục thu hút được 22 dự án FDI cấp mới, với tổng vốn đăng ký cấp mới là 3,2 tỷ USD. Ngoài ra, có 9 dự án tăng vốn đã đưa tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm của Thái Nguyên đạt 3,35 tỷ USD, đứng đầu về thu hút FDI cả nước.
Nhiều bài học kinh nghiệm có thể rút ra từ thành công của Thái Nguyên. Theo đánh giá của các nhà đầu tư trước Hội nghị, điều quan trọng nhất là cả hệ thống chính quyền tỉnh đến các huyện, xã thay đổi cách nghĩ, cách làm, luôn sát cánh với nhà đầu tư. Đơn cử, công tác giải phóng mặt bằng tại Dự án khu công nghiệp Yên Bình ở huyện Phổ Yên đã đạt kỷ lục về tiến độ, khi giải phóng trên 120 ha đất chỉ trong 57 ngày đêm để kịp bàn giao cho chủ đầu tư. Có những dự án, lãnh đạo cấp cao nhất của tỉnh cũng lội bùn, đội nón cối xuống tận thôn xã để vận động bà con nông dân tích cực ủng hộ chủ trương của Tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư sớm có mặt bằng.
Bên cạnh cải thiện về thể chế, Thái Nguyên cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ về điều kiện hạ tầng. Nhờ hệ thống đường cao tốc, từ Hà Nội đến Thái Nguyên và ngược lại chỉ mất một giờ đồng hồ chạy xe hơi. Điện, nước, hệ thống cơ sở vật chất ngoài hàng rào các khu công nghiệp... đều có những cải thiện vượt bậc, giúp nhà đầu tư yên tâm khi đến với tỉnh này.
Vốn đầu tư nước ngoài đã mang đến một diện mạo mới cho Thái Nguyên, quan trọng hơn, theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, còn tạo ra những thay đổi lớn cho các DN địa phương. Từ cách nghĩ, cách làm của những DN vừa và nhỏ, trong môi trường kinh doanh của một tỉnh lẻ, nhiều DN đã mạnh dạn tìm kiếm dự án, mở rộng sản xuất - kinh doanh và gọi vốn đại chúng. Đã có nhiều DN tìm được thị trường, xuất khẩu và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn quốc và tiến tới toàn cầu.
Thủy Nguyễn
Theo tin nhanh chứng khoán ngày 20/08/2015