Thái Nguyên thực hiện cung cấp 1.765 dịch vụ công trực tuyến và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Ảnh: HH

Theo Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, công tác CCHC được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chủ động triển khai của các cơ quan, đơn vị và sự tích cực của thành viên Ban Chỉ đạo CCHC, cụ thể hóa các kế hoạch CCHC giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch triển khai năm 2023, bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu theo Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ. Các địa phương đã cụ thể hóa chương trình, kế hoạch của tỉnh phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, đảm bảo công tác CCHC của năm 2023 hoàn thành theo kế hoạch.

Đến nay, Thái Nguyên thực hiện cung cấp 1.765 dịch vụ công trực tuyến và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.Tổ chức bộ máy tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo Nghị quyết 04/NQ-CP của Chính phủ. Thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình quy định và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được chuẩn hóa, được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh, các ngành, các cấp đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số theo đề án, chủ trương của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Thời gian qua, công tác CCHC luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của tỉnh Thái Nguyên, sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của chính quyền các cấp. Đến nay, 100% bộ phận một cửa cấp huyện, xã được đầu tư phòng làm việc, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia.Công tác cải cách thể chế, cải cách tài chính công, cải cách chế độ công vụ và tổ chức bộ máy Nhà nước được chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc xây dựng chương trình, kế hoạch CCHC ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự phù hợp với thực tế, chưa gắn với nguồn lực hiện có; một số ít cán bộ, công chức, viên chức làm việc chưa hết trách nhiệm, chưa thực sự tận tình phục vụ người dân, doanh nghiệp...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cho biết: Cùng với cả nước, Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, phù hợp thực tế và đạt được kết quả quan trọng về CCHC. Minh chứng là các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); chỉ số đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) liên tục được cải thiện. Tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao và công tác CCHC để đánh giá thực chất kết quả, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại... Tỉnh cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong CCHC để công tác này của Thái Nguyên đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Điểm nhấn trong CCHC của Thái Nguyên là việc triển khai, vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, đây được ví như “bộ não số” của các đô thị với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống phần mềm sẵn có. Sau 2 năm triển khai, Thái Nguyên đã có 3 thành phố triển khai IOC và kết nối trực tiếp với hệ thống IOC tỉnh là: Thái Nguyên, Phổ Yên và Sông Công. IOC của 3 thành phố đã tích hợp tương đối hoàn thiện chức năng cần có, trực tiếp thực hiện các chức năng như: Giám sát điều hành an ninh; giám sát điều hành giao thông; phản ánh hiện trường; giám sát thông tin báo chí và truyền thông; bảo mật an toàn thông tin; giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; dịch vụ hành chính công; báo cáo thông tin kinh tế - xã hội; tích hợp dữ liệu ngành Giáo dục và Y tế. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được tỉnh đầu tư khá đồng bộ, bước đầu hình thành các cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành, phục vụ triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ chính quyền điện tử.

Công tác CCHC luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của chính quyền các cấp

Để hoàn thành nhiệm vụ CCHC năm 2023, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nâng cao kỹ năng số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, sẵn sàng phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân, hướng đến cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh.

Gần đây nhất, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm việc công bố, công khai đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo quy định; triển khai thực hiện hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; xây dựng quy trình, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp, nhất là ở cấp xã. Đồng thời rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Với sự thống nhất về chủ trương, các giải pháp đồng bộ và sự đồng thuận quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện Nghị quyết số 04, tin tưởng rằng nhiệm vụ CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng đảm nhiệm vai trò là một trong các khâu đột phá để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên./.

Theo Báo Đảng Cộng sản