The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Tham nhũng đang trì kéo hiệu quả của nỗ lực cải cách

Tại hội nghị lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại An Giang vào tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu quan điểm phải sửa đổi các luật lệ, quy định để xóa hết những rào cản đối với hoạt động xuất khẩu gạo và tạo cơ chế thuận lợi cho ngành sản xuất lúa gạo phát triển. Cùng lúc đó, các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách liên quan đến đấu thầu thuốc chữa bệnh, kinh doanh ô tô và sữa cho trẻ em cũng đã được các thành viên của Chính phủ chỉ đạo giải quyết một cách rốt ráo.

Những động thái trên cho thấy Chính phủ đang tích cực hành động để hiện thực hóa cam kết kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi và thông thoáng cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở cấp thừa hành, thực thi các quyết định thì liệu có sự chuyển biến nào không?

Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016 (PCI 2016) vừa được công bố tuần qua, có đến 66% doanh nghiệp cho biết thường xuyên phải trả các chi phí không chính thức, cao hơn tới 12-15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008-2013. Số liệu trên là một trong những bằng chứng cho thấy nỗ lực cải cách của Chính phủ đã và đang bị trì kéo, thậm chí là vô hiệu hóa bởi nạn tham nhũng của một số cán bộ biến chất, những người làm nhiệm vụ thực thi các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Hậu quả tham nhũng gây ra cho nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cho xã hội là vô cùng tai hại. Đó là mảnh đất màu mỡ để các nhóm lợi ích phát triển, làm méo mó chủ trương chính sách của Nhà nước, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh và sau cùng là làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh. Nguy hiểm hơn, chính tham nhũng gây ra tâm trạng bất an và những rủi ro khó lường cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Tất cả những hệ quả mà tham nhũng gây ra đều là kẻ thù của sự bình đẳng, thông thoáng và minh bạch trong môi trường kinh doanh, mục tiêu mà Chính phủ đang nỗ lực kiến tạo.

Ngoài ra, số liệu của báo cáo PCI 2016 còn cho thấy cơ chế chống tham nhũng hiện nay chưa thực sự phát huy được hiệu quả như mong đợi. Điều đáng nói là việc chống tham nhũng chưa hiệu quả hoàn toàn không phải do hành lang pháp lý không đủ mạnh. Chúng ta đã có các quy định, luật lệ với khung hình phạt rất nghiêm khắc dành cho tội danh này. Có lẽ vấn đề là ở khâu thực thi mà cụ thể là hình phạt áp dụng trong thực tế chưa đủ sức răn đe. Không loại trừ khả năng những cán bộ biến chất đã hình thành nên những mạng lưới tham nhũng có tổ chức để nhũng nhiễu doanh nghiệp và bao che lẫn nhau. Vì vậy, công tác chống tham nhũng cũng phải thay đổi để thích nghi với hoạt động tội phạm có tổ chức và ngày càng tinh vi này.

Tóm lại, nếu không loại trừ được tham nhũng trong bộ máy công quyền thì nỗ lực kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng của Chính phủ sẽ khó mà đạt kết quả tốt. Muốn thế, công tác phòng chống tham nhũng phải được thực hiện một cách dứt khoát và quyết liệt giống như việc dọn dẹp vỉa hè trong thời gian qua, để các cán bộ biến chất và cả chủ doanh nghiệp cảm thấy bất an, sợ hãi mỗi khi có ý định tham nhũng, hạch sách và đưa hối lộ để “mua” lợi thế kinh doanh cho mình. Nếu làm được như vậy thì mục tiêu kiến tạo môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp của Chính phủ sẽ không khó để đạt được.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

TheSaiGonTimes