Tham nhũng làm “xói mòn” tinh thần doanh nghiệp liêm chính
Nhiều doanh nghiệp chọn đường tắt, trả những khoản chi phí không chính thức, bôi trơn hệ thống và né tránh các nghĩa vụ chi phí.
Ngày 26/4/2017, Tổ chức Hướng tới minh bạch – Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức minh bạch quốc tế tại Việt Nam đã công bố kết quả Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp, đánh giá 30 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (TRAC Việt Nam 2017).
Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp được thực hiện từ tháng 9/2016 và bắt đầu thực hiện viết báo cáo từ tháng 1/2017.
Quang cảnh lễ công bố kết quả Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp, đánh giá 30 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (TRAC Việt Nam 2017) - ảnh: H.Lực |
Cơ sở để đưa ra kết quả báo cáo dựa trên thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp trên website của chính các doanh nghiệp.
Trong báo cáo, hai nội dung quan trọng được Tổ chức Hướng tới minh bạch đề cập gồm: Công bố thông tin và chương trình phòng chống tham nhũng; Minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp.
Lý giải việc đưa nội dung công bố thông tin và chương trình phòng chống tham nhũng của doanh nghiệp vào tiêu chí đánh giá minh bạch thông tin doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn – Giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch cho rằng, tham nhũng đã và đang đe dọa tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế, làm xói mòn tinh thần kinh doanh liêm chính, cản trở cạnh tranh lành mạnh và làm suy giảm chất lượng của nền kinh tế thị trường.
“Doanh nghiệp là nạn nhân cũng là tác nhân của tham nhũng. Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI cho thấy 66% doanh nghiệp trong nước thừa nhận đã phải chi trả chi phí không chính thức.
59% doanh nghiệp FDI phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan.
61,5% doanh nghiệp có hành vi biếu quà, tiền và hầu như tất cả các doanh nghiệp đều có hành vi lại quả cho đối tác”, bà Viễn nêu các thí dụ.
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn – Giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch phát biểu tại lễ công bố - ảnh: H.Lực |
Theo bà Viễn, muốn đẩy lùi tham nhũng một cách hiệu quả, cần phải có sự tham gia tích cực và chủ động của toàn xã hội, đặc biệt là chính cộng đồng doanh nghiệp.
“Kinh doanh đã khó, hoạt động kinh doanh tại môi trường tham nhũng cao và các thủ tục hành chính rườm rà lại càng không đơn giản.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp chọn đường tắt, trả những khoản chi phí không chính thức, bôi trơn hệ thống và né trành các nghĩa vụ chi phí.
Các hành vi tham nhũng này mang tới cho doanh nghiệp một số thuận lợi trước mắt. Tuy nhiên trong dài hạn tham nhũng sẽ làm suy thoái môi trường kinh doanh, khiến tất cả các doanh nghiệp đều bị thiệt hại do toàn bộ hệ thống không còn hoạt đồng theo đúng chức năng, tham nhũng gây nên tổn thất cả về danh tiếng, tài chính và rủi ro pháp lý”, bà Viễn nói.
Theo đánh giá của Tổ chức Hướng tới minh bạch chỉ có 9/30 doanh nghiệp được lựa chọn khảo sát có công bố thông tin và chương trình phòng chống tham nhũng.
Điểm trung bình của 30 doanh nghiệp được đánh giá chỉ đạt 10%. Trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có số điểm công bố thông tin và chương trình phòng chống tham nhũng cao nhất khoảng 24,2%.
Tại buổi công bố kết quả báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp, bà Phạm Ngọc Linh – Giám đốc Công ty tư vấn quản lý MCG đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, nếu minh bạch cầu trúc và tỷ lệ sở hữu giảm hành vi che dấu, tham nhũng của doanh nghiệp.
Chính vì vậy Tổ chức Hướng tới minh bạch lựa chọn tiêu chí công bố thông tin minh bạch về cầu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá việc doanh nghiệp đó có minh bạch thông tin hay không.
Kết quả đánh giá cho thấy chỉ có 18/30 doanh nghiệp công bố thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp. 18 doanh nghiệp này chủ yếu doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tổ chức Hướng tới minh bạch đánh giá Vinamilk và FPT là hai doanh nghiệp đạt số điểm tuyệt đối 100% trong việc công bố thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp.
Trước công bố đánh giá của Tổ chức Hướng tới minh bạch, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Phòng pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp đưa ra gợi lên nhiều điều, giúp cộng đồng doanh nghiệp nhận diện tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch.
Ông Tuấn cho rằng, kết quả báo cáo cung cấp thêm thông tin tham khảo để từ đó có góc nhìn mới trong vấn đề công bố thông tin doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp xây dựng và hiệu quả hơn trong thời gian tới.