Thanh Hóa: Cơ hội cải cách đồng bộ chất lượng điều hành kinh tế từ cấp cơ sở
17 Tháng 3, 2022
Ngày 10-11-2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4511/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện tỉnh Thanh Hóa (DDCI Thanh Hóa). Đây là năm đầu tiên tỉnh Thanh Hóa thực hiện đánh giá chỉ số này, với mục tiêu xây dựng một bộ công cụ để đánh giá năng lực chỉ đạo, điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, tạo động lực cải cách đồng bộ thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư. Xung quanh việc triển khai khảo sát DDCI Thanh Hóa năm 2021, Báo Thanh Hóa có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đình Hiệu, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa).
PV:Thưa ông, được biết, cả nước hiện đã có hơn 50 tỉnh, thành phố thực hiện khảo sát chỉ số DDCI. Có những địa phương đã thực hiện khảo sát, đánh giá chỉ số này trong nhiều năm. Qua tìm hiểu thực tế ở các địa phương, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả khi triển khi bộ chỉ số này trong vấn đề thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và chất lượng hỗ trợ DN, nhất là từ cơ sở?
Ông Đỗ Đình Hiệu: DDCI lần đầu tiên được triển khai xây dựng tại Việt Nam vào năm 2013 bởi Economica Vietnam và UBND tỉnh Lào Cai. Tiếp sau đó, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã tiến hành khảo sát, đánh giá các sở, ban, ngành và địa phương cấp huyện bằng nhiều mô hình khác nhau. Điển hình như các tỉnh Quảng Ninh, Tuyên Quang đã bước sang năm thứ 7 triển khai đề án. TP Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh Gia Lai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Cao Bằng, Thừa Thiên - Huế, Sơn La, Quảng Nam, Đắk Nông, Đồng Tháp… cũng đã nhiều năm liên tiếp thực hiện khảo sát bộ chỉ số này.
Tại các tỉnh, thành phố đã triển khai đề án, DDCI đã trở thành một công cụ quan trọng cho công tác điều hành kinh tế tại tỉnh, hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Ví dụ như tại các tỉnh Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bắc Ninh, DDCI đã góp phần cải thiện thứ hạng và củng cố vị trí xếp hạng cao của các tỉnh này trong bảng xếp hạng PCI trong những năm vừa qua. Đặc biệt, DDCI đã trở thành một trong những nội dung ưu tiên trong chỉ đạo và điều hành của các tỉnh nhằm thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 10-1-2022 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
PV:Mặc dù đã triển khai nhiều năm, nhưng mô hình khảo sát DDCI hiện vẫn chưa thống nhất, đồng bộ về đơn vị chủ trì. Tại đề án đánh giá DDCI Thanh Hóa, UBND tỉnh đã giao cho VCCI Thanh Hóa thực hiện đề án trong giai đoạn 2021-2025. Việc giao trọng trách trong một giai đoạn cụ thể, chắc hẳn sẽ giúp đơn vị chủ động trong phương án, kế hoạch thực hiện?
Ông Đỗ Đình Hiệu: Hiện nay, các địa phương khác trong cả nước đang thực hiện khảo sát DDCI theo các mô hình khác nhau. Có địa phương giao việc đánh giá DDCI cho Chi nhánh Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đóng trên địa bàn hoặc Hiệp hội DN tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh. Hiện nay, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cũng đang nghiên cứu, định hướng về cách tiếp cận, tổ chức DDCI đối với các địa phương trong cả nước để lựa chọn hướng đi đồng bộ, thống nhất theo một mô típ thực hiện giống nhau. Từ đó, xem DDCI như nội dung bắt buộc với các tỉnh, thành, và trở thành một công cụ để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp địa phương.
Tại Thanh Hóa, ngay khi ban hành đề án, UBND tỉnh đã tin tưởng giao cho VCCI Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ trong thời gian 5 năm. Đây là sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh trong việc lựa chọn 1 đơn vị độc lập để thực hiện, với kỳ vọng công tác triển khai đánh giá bộ chỉ số này một cách bài bản, khách quan và công tâm. Với kế hoạch cụ thể liên tiếp 5 năm, là điều kiện thuận lợi để chúng tôi chủ động các chiến lược, phương án để xây dựng thương hiệu, độ tin cậy, thuyết phục cho Bộ chỉ số DDCI Thanh Hóa.
Tuy nhiên, với VCCI Thanh Hóa, đây cũng là một nhiệm vụ hết sức mới và nhiều thách thức, bởi đây là năm đầu tiên Thanh Hóa triển khai bộ chỉ số này. Trong khi đó, Thanh Hóa là tỉnh rộng về diện tích, đông dân số, có tới 27 huyện, thị xã, thành phố và 25 đơn vị sở, ngành. Như vậy sẽ có 52 đơn vị tham gia đánh giá vào bộ chỉ số DDCI cấp tỉnh hàng năm.
Để thực hiện bài bản, dài kỳ trọng trách này, bên cạnh sự tư vấn, hỗ trợ của VCCI và các chuyên gia, tổ chức tư vấn, chúng tôi đã đi học tập kinh nghiệm tại các địa phương đã thành công trong triển khai đề án, áp dụng và cải biến những điểm phù hợp với thực tiễn để áp dụng, triển khai tại Thanh Hóa.
PV:Thanh Hóa từng đặt mục tiêu lot top 10 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào năm 2020. Tuy nhiên mục tiêu này chưa đạt được, vậy theo ông nguyên nhân nào dẫn đến điều đó?
Ông Đỗ Đình Hiệu: Có thể thấy, với những nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, từ năm 2015 đến nay chỉ số PCI Thanh Hóa đã liên tục tăng về điểm số. Tuy nhiên, về vị trí trên bảng xếp hạng PCI lại chưa ổn định. Điển hình như năm 2018 Thanh Hóa xếp ở vị trí số 25, năm 2019 tăng nhẹ ở vị trí số 24 và năm 2020 lại tụt xuống vị trí 28.
Thực tế, ngoài nguyên nhân do trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sôi động, các địa phương trên cả nước đều đang triển khai mạnh mẽ những kế hoạch về cải thiện môi trường đầu tư, với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, thì còn có một nguyên nhân quan trọng là tốc độ cải thiện của một số chỉ số thành phần quan trọng của tỉnh Thanh Hóa chậm, điển hình như các chỉ số về tính minh bạch, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền, dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động...
PV:Việc Thanh Hóa triển khai đánh giá DDCI được kỳ vọng sẽ phân tích một cách chi tiết về năng lực, kết quả và tác động của hoạt động điều hành kinh tế cấp sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh như thế nào? Và đây, có được đánh giá là một giải pháp tốt để cải thiện chỉ số PCI của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới?
Ông Đỗ Đình Hiệu: Như đã phân tích ở trên, sở dĩ chỉ số PCI của Thanh Hóa chưa đạt được sự bứt phá trong những năm vừa qua có nguyên nhân quan trọng ở sự cải thiện chậm của các chỉ số thành phần. Các chỉ số này, phụ thuộc khá nhiều vào sự cải cách của bộ máy hành chính cấp cơ sở, từ các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, thậm chí là cấp xã.
Bộ chỉ số DDCI của tỉnh Thanh Hóa đang được triển khai khảo sát được mô phỏng phương pháp khảo sát PCI. Hơn nữa, sau gần 1 thập kỷ triển khai với kinh nghiệm của nhiều tỉnh, thành phố, DDCI đã được các chuyên gia, các tổ chức tư vấn cải tiến về phương pháp luận cũng như cách thức thực hiện, với sự thẩm định khắt khe của các tỉnh tham gia và các chuyên gia hàng đầu về quản trị công, về điều hành và quản trị kinh tế địa phương. Do đó, kết quả khảo sát sẽ là là một kênh hữu ích để đánh giá, khích lệ các đơn vị có sự cải thiện tốt, cũng như nhắc nhở nghiêm túc đối với các cơ quan, đơn vị ở thứ hạng chưa cao.
Thực tế cho thấy, với những địa phương triển khai DDCI một cách nghiêm túc, sử dụng hiệu quả kết quả đánh giá DDCI như “đòn bẩy” để thúc đẩy tính chủ động của các cơ quan, tổ chức, vị trí việc làm trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho DN đều thu được kết quả tích cực, từ đó góp phần cải thiện các chỉ số thành phần của PCI, nâng điểm số chung và cải thiện thứ bậc cho chỉ số này.
PV:Xin ông cho biết tiến độ triển khai đề án đến thời điểm này và dự kiến công bố kết quả khảo sát?
Ông Đỗ Đình Hiệu: Ở năm đầu tiên triển khai đề án, mặc dù gặp phải không ít khó khăn do sự gấp gáp về thời gian, sự bỡ ngỡ về kinh nghiệm, sự e dè của các đối tượng khảo sát. Đặc biệt là sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 thời điểm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần làm hạn chế sự tiếp xúc của cán bộ khảo sát và các tổ chức, hiệp hội hỗ trợ. Tuy nhiên, bằng nhiều hình thức khảo sát linh hoạt như đường bưu chính, khảo sát trực tuyến, khảo sát qua điện thoại, tiến độ triển khai đề án được đánh giá là tương đối bảo đảm.
VCCI Thanh Hóa đang triển khai đến công đoạn thu hồi, nhập kết quả khảo sát. Do các mẫu câu hỏi khảo sát được xây dựng đơn giản, dễ hiểu nên phần lớn phiếu thu về đều hợp lệ. Dự kiến công đoạn này sẽ được hoàn thiện trong tháng 3 để đơn vị hoàn thiện báo cáo khảo sát và công bố kết quả vào tháng 4-2022.
PV:VCCI Thanh Hóa có những kiến nghị gì để bảo đảm tiến độ, tính chính xác và hiệu quả của đề án khảo sát trong những năm tiếp theo, thưa ông?
Ông Đỗ Đình Hiệu: Việc tỉnh Thanh Hóa ban hành đề án khảo sát DDCI, cũng như sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh trong quá trình triển khai đề án thể hiện rõ quyết tâm, sự vào cuộc của người đứng đầu và bộ máy lãnh đạo của tỉnh đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh từ cấp cơ sở.
Để thực hiện đề án có hiệu quả, bảo đảm chất lượng đánh giá, VCCI Thanh Hóa rất mong Kế hoạch triển khai đề án cho từng năm trong giai đoạn 2022-2025 được phê duyệt sớm, bảo đảm quỹ thời gian cho các công đoạn.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện cung cấp kịp thời, đầy đủ danh sách các DN có tương tác với đơn vị; các hiệp hội DN tiếp tục phối hợp vận động DN, hội viên tham gia khảo sát; các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục hỗ trợ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng khảo sát về quyền lợi, trách nhiệm của mình để tham gia khảo sát một cách trung thực, đánh giá chính xác năng lực điều hành kinh tế, chất lượng đồng hành, hỗ trợ DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo Báo Thanh Hóa