Thanh Hoá đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ nâng cao thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh
Theo đó, năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh Thanh Hóa tổ chức đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện (DDCI). Kết quả đánh giá DDCI Thanh Hóa hàng năm là một trong các căn cứ để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời, là một trong những giải pháp thúc đẩy cải thiện chất lượng hoạt động của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản về việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện và nâng cao điểm số, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện.
Cụ thể, về tính minh bạch và tiếp cận thông tin, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung xây dựng website đồng bộ, thường xuyên cập nhật đầy đủ các thông tin về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch, các quy định pháp luật, cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực quản lý trên website của cơ quan, đơn vị mình; đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng website để nhanh chóng giải quyết thủ tục hành chính; duy trì bộ phận trả lời trực tuyến các câu hỏi, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Về tính năng động và vai trò của người đứng đầu, Giám đốc các sở; Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động nâng cao tính năng động và tiên phong của người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị trong thực hiện vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp và nhà đầu tư; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được giao; Tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh trong quá trình thực thi công vụ, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, dẫn đến sự chậm trễ trong 04 công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc hoặc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.
Về chi phí thời gian, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong Bộ phận một cửa, trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh rà soát, đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, trong đó công bố thủ tục hành chính và thời gian giải quyết đối với từng thủ tục hành chính cụ thể; Rà soát, cắt giảm tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đảm bảo không chồng chéo...; thực hiện tốt các quy định về văn minh, văn hóa công sở, trang phục làm việc, chú trọng nâng cao tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức gần gũi, thân thiện, lịch sự khi giao tiếp với doanh nghiệp.
Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định các biện pháp chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Kế hoạch thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ công đối với sự phục vụ của cơ quan quản lý Nhà nước.
Về chi phí không chính thức, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo có trình độ, năng lực, đạo đức công vụ đáp ứng yêu cầu công việc; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức; xử lý nghiêm các cá nhân, cơ quan, địa phương vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính và công tác cán bộ.
Về cạnh tranh bình đẳng, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận đất đai, tín dụng, miễn giảm thuế, cấp phép khai thác khoáng sản, giải quyết thủ tục hành chính...
Về hỗ trợ doanh nghiệp, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Về thiết chế pháp lý, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp.
Về tiếp cận đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường tham mưu, đề xuất thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; chủ động tổ chức giải đáp trực tiếp các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai cho người dân và doanh nghiệp để hiểu rõ khi thực hiện các thủ tục hành chính.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư trong việc kiểm kê, cắm mốc, thỏa thuận đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng; ký cam kết thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất giữa cấp huyện với nhà đầu tư; công khai Quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và bố trí quỹ đất phù hợp.
Trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời có văn bản gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.