Chuyển đổi số để thích nghi

Theo số liệu tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá, từ năm 2017 đến nay, số doanh nghiệp hiện đang hoạt động là 15.900; số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 499; doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 3.262.

Đó là những con số thực tế cho thấy các doanh nghiệp Thanh Hóa đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều mặt, bị đứt nguồn cung, gãy thị trường, không có tiền trả lãi ngân hàng, không có tiền trả lương cho người lao động, chưa kịp hồi phục thì liên tục bị dội “gáo nước lạnh” từ các đợt bùng phát dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp bị “hụt hơi”, mất sức.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có một số điểm sáng đáng chú ý. Đó là, đã có nhiều doanh nghiệp tìm được cách thức kinh doanh hoặc sản phẩm mới để mang lại nguồn doanh thu bù đắp cho phần sụt giảm vì dịch COVID-19, đồng thời các doanh nghiệp đã đưa công nghệ, chuyển đổi số vào để ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp dần dân hồi sức trở lại.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến hoạt động giao thông - vận tải, đầu tư xây dựng nhiều thời điểm bị ngừng trệ nhưng các đơn vị vẫn linh hoạt cân đối phương án bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và an toàn sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên. Trong đó, Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa đã tăng lên 1.000 xe dịch vụ và đưa rất nhiều ứng dụng phần mềm vào để thu hút và phục vụ khách hàng.

Theo ông Hồ Hữu Thiết, Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa khẳng định, về phía công ty quá trình chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây khi những nền tảng kinh doanh truyền thống bị rung lắc dữ dội bởi Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, Mai Linh chủ động thực hiện chuyển đổi số trên toàn hệ thống và đã cho những kết quả khả quan ban đầu. Một trong những mục tiêu đáng chú ý của Mai Linh Thanh Hóa trong năm 2020 là phát triển và ứng dụng công nghệ để hội nhập với nền kinh tế 4.0; chuyển đổi từ taxi truyền thống sang taxi công nghệ.

Trong lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Văn Đệ, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Hợp Lực cho biết, bệnh viện Đa khoa Hợp Lực kể từ khi đưa hệ sinh thái giải pháp y tế thông minh của FPT gồm các phần như: Hệ thống quản lý bệnh viện thông minh; Hệ thống quản lý, điều hành thông minh; Hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông minh vào sử dụng đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, tối ưu hiệu quả công tác quản lý chỉ đạo điều hành và góp phần tiết kiệm thời gian khám, chi phí…

Với thời đại 4.0, mọi hoạt động, mọi doanh nghiệp đều được số hoá để thích ứng với nhu cầu dịch chuyển và thay đổi. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã tạo ra nền tảng giúp cho các chức năng kết nối đa tuyến và đa chiều với nhau trong nội bộ của các tổ chức. Các doanh nghiệp sở hữu nền tảng số hóa có thể triển khai các hoạt động hiệu quả hơn, nhanh hơn, chính xác và chất lượng hơn.

Doanh nghiệp không “đơn độc” trong cuộc chiến mới

Đó là cam kết của ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhằm tạo nhiều cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện nay.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đó, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực theo hướng công khai minh bạch, đơn giản, thuận tiện và rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Đối với các dự án đã được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết thỏa thuận ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN, UBND các huyện, thị xã, thành phố rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường so với các quy định hiện hành. Cụ thể: rút ngắn 50% thời gian đối với các thủ tục hành chính đang thực hiện với thời gian giải quyết từ 10 ngày trở lên, 30% đối với các thủ tục hành chính đang được thực hiện với thời gian giải quyết dưới 10 ngày.

Cùng với đó, tiếp tục tổ chức các lớp, chương trình tập huấn bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác đối ngoại; tổ chức có hiệu quả các chương trình kết nối địa phương với các quốc gia trên thế giới; tạo điều kiện để lãnh đạo địa phương tham gia các đoàn công tác do Bộ Ngoại giao tổ chức tại nước ngoài; tổ chức các hoạt động hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; kết nối địa phương trong nước và địa phương nước ngoài.

Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa, cho biết: Mức độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa được thể hiện rõ nét trong việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Đây là chỉ số phản ánh tổng hòa chất lượng điều hành môi trường kinh doanh của các cấp, các sở, ngành. Từ năm 2016 đến nay, chỉ số này của tỉnh Thanh Hóa liên tục tăng về thứ hạng và điểm số. Trong đó, đáng ghi nhận ở một số chỉ số tăng điểm khá, như: Chi phí không chính thức, chỉ số gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian. Các chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động cũng tiếp tục tăng điểm, tạo môi trường kinh doanh với những điều kiện ban đầu thuận lợi cơ bản để doanh nghiệp tham gia thị trường. Sự cải thiện những chỉ số quan trọng trong đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã phản ánh hiệu quả của những chủ trương, chính sách và chỉ đạo điều hành của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và Hóa cán bộ, công chức tại các cơ quan Nhà nước.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp